Đông Địa Trung Hải “dậy sóng”
Thế giới - Ngày đăng : 06:59, 19/02/2020
Đây được xem là bước đột phá của các nước cựu lục địa trong bối cảnh đang phải gánh chịu làn sóng chỉ trích vì không có bước đi cụ thể nào để phản ứng trước những diễn biến phức tạp tại Libya, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu đưa quân vào lãnh thổ nước này.
Các hoạt động tuần tra nối lại sẽ nằm trong chiến dịch mới mang tính quân sự thuần túy thay thế chiến dịch mang tên Sophia, vốn được triển khai từ năm 2015 nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư vào châu Âu. Cụ thể, các tàu của EU sẽ chặn và kiểm tra những tàu khả nghi ở Đông Địa Trung Hải, nơi phần lớn hoạt động buôn lậu vũ khí đang diễn ra. Bên cạnh đó, các tàu của EU sẽ giải cứu những trường hợp gặp nạn trên vùng biển này. Giới chức quân sự EU sẽ đề xuất kế hoạch chi tiết, bao gồm số lượng tàu và phạm vi địa lý của chiến dịch để trình lên cuộc họp tiếp theo của ngoại trưởng các nước vào ngày 23-3. Theo đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell, khối này có nguy cơ bị gạt sang một bên nếu không hành động, phó mặc số phận của Libya vào tay Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Những tuần gần đây, các cường quốc đang tăng cường nỗ lực tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Libya sau nhiều năm hỗn loạn kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011. Hiện, ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông được sự ủng hộ của Nga, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập. Trong khi đó, Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác công nhận, hoạt động ở miền Tây và thủ đô Tripoli.
Vào cuối năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép Ankara có thể gửi quân nhân cũng như thiết bị quân sự giúp GNA. Nhiều khả năng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa các đơn vị đặc nhiệm, sĩ quan tình báo, máy bay không người lái và vũ khí hiện đại cùng các lực lượng khác đến Libya. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, lực lượng phiến quân tại Bắc Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã mở 4 trung tâm để các tay súng tham chiến tại Libya đăng ký.
Ngoài thỏa thuận quốc phòng, Ankara còn ký với GNA một thỏa thuận riêng về ranh giới trên biển ở Đông Địa Trung Hải, khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ có các xung đột với Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel về việc tiếp cận vùng biển có nguồn khí đốt tự nhiên vô cùng dồi dào. Theo các nhà phân tích, nhiều năm qua, Ankara bị hạn chế rất nhiều trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Địa Trung Hải. Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ - GNA cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở Libya là một bước tiến quan trọng với Ankara.
Theo sát những chuyển biến tại Đông Địa Trung Hải, mới đây, lực lượng hải quân Nga và Syria đã tổ chức cuộc tập trận chung tại vùng biển này. Mặc dù đang có mối quan hệ khá tốt với Thổ Nhĩ Kỳ về một số dự án liên quan tới kinh tế, khí đốt, song động thái của Mátxcơva như một bức thông điệp cảnh báo dành cho Ankara, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng của phương Tây tại một khu vực chiến lược như Đông Địa Trung Hải.
Giới quan sát lo ngại, việc nối lại chiến dịch tuần tra của EU, cuộc leo thang quân sự có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ và những can dự của Nga sẽ khiến Đông Địa Trung Hải, khu vực vốn đã căng thẳng, nay càng thêm "dậy sóng".