Nhọc nhằn nơi chợ đêm nông sản
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 19/02/2020
Những người lấy đêm làm ngày
Những ngày này, tiết trời Hà Nội như cô gái đỏng đảnh, khi mưa phùn gió bấc, khi nồm ẩm thất thường. Có mặt tại Trung tâm chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai) càng thấm thía hơn nỗi nhọc nhằn của những người “lấy đêm làm ngày” trong môi trường làm việc không mấy thuận lợi. Mới 1h sáng, khu chợ đã tấp nập kẻ mua, người bán, không khí ồn ào, náo nhiệt lấn át cả màn đêm lạnh giá. Gần sáng, không gian càng trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn bởi vô vàn âm thanh trao đổi, mua bán và cả những câu chuyện về đời, về người, lúc rủ rỉ, khi rôm rả của các tiểu thương, người làm thuê như để vơi bớt nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh…
Bó từng mớ rau để bán cho các cửa hàng ăn uống, bà Nguyễn Thị Liên quê ở Hải Dương, kinh doanh tại Trung tâm chợ đầu mối phía Nam đã có “thâm niên” hơn 10 năm tâm sự: “Không ai muốn đi bán hàng đêm, nhưng vì cuộc sống thì phải cố gắng thôi. Để con cái ở nhà với chồng và ông bà, tôi lên chợ này kiếm sống. Mặc dù vất vả đủ đường nhưng thu nhập khá hơn so với làm ruộng ở quê nên nhiều lúc ốm đau, một mình lủi thủi ở nhà trọ, buồn lắm nhưng vẫn phải cố gắng để các con có tiền ăn, học…”.
Có hoàn cảnh tương tự, ông Trần Văn Toán, quê ở tỉnh Bắc Giang, bán thịt lợn ở chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, ăn cơm tối xong, khoảng 20h là vợ chồng tôi phải tranh thủ chợp mắt để 1h sáng hôm sau còn kịp chở nhau bằng xe máy tới lò giết mổ ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), lấy thịt lợn mang ra chợ bán. Từ nhà trọ đến lò giết mổ gần 10km, ngày nắng thì không sao, nhưng vào ngày mưa rét như vừa qua thì khổ lắm. Chưa bao giờ hai vợ chồng có một giấc ngủ ngon nhưng vẫn phải cố gắng. Có lúc vợ ốm, một mình tôi vừa đi lấy hàng, vừa đi giao hàng, vất vả lắm, song vẫn phải gắng sức kiếm tiền để trang trải cuộc sống và lo cho con cái ăn học… Tuy nhiên, không phải lúc nào việc buôn bán ở chợ cũng suôn sẻ. Buồn nhất là cả tháng nay, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) nên công việc kinh doanh cũng gặp khó khăn hơn so với các tháng trước…”.
Những người như bà Liên, ông Toán… trước hết vì công cuộc mưu sinh nên dù vất vả, họ vẫn kiên cường, bất chấp mưa gió, hằng ngày lặn lội sớm hôm với mong muốn lo cho gia đình và con cái có tương lai sáng hơn…
Người bán hàng ở chợ đêm đã vất vả, người làm thuê cho các chủ hàng tại chợ đêm càng vất vả hơn. Mặc dù không phải tính toán buôn bán, lỗ, lãi… nhưng nhìn các khuôn mặt phờ phạc, những đôi mắt thâm quầng vì mưu sinh, mỗi người đều cảm thấy chạnh lòng.
Chở hai bao hàng nặng trĩu trên xe, không ai nghĩ người phụ nữ nhỏ nhắn này lại có sức mạnh phi thường như vậy. Đó là bà Lê Thị Hợp ở xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) làm thuê ở chợ Long Biên (quận Ba Đình). Bà Hợp tâm sự: "Đội sương gió để đi chợ đêm vốn là việc không ai mong muốn. Tôi và mấy người bạn thuê nhà trọ ở gầm cầu Long Biên, ăn ở thiếu thốn, nhưng phải cố gắng. Không có vốn nên tôi cũng không biết làm nghề gì ngoài đi chở hàng thuê cho các chủ hàng hoa quả tại chợ. Mỗi đêm thu được hơn 100 nghìn đồng, nếu nhiều việc thì được 200-300 nghìn đồng, nhưng cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhiều lúc nhớ chồng con, lo nhà cửa, nhưng chỉ khi dành dụm được tiền mới dám bắt xe về. Cũng chỉ được hai, ba tiếng, nấu cho chồng con bữa cơm, hỏi han tình hình học tập của các con rồi lại bắt xe đi cho kịp giờ làm ngày hôm sau".
Nỗ lực với niềm hy vọng
Mong muốn có công việc khác ổn định hay nhàn hạ hơn, nhưng hơn ai hết, những người mưu sinh ở chợ đêm hiểu được công việc của mình. Và, dù vất vả đến mấy, họ vẫn gắng sức làm bởi có niềm tin: Chỉ cần nỗ lực thì tương lai các con sẽ bớt khổ… Bà Lê Thị Hợp, quê ở xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) tâm sự: “Dù cuộc sống của gia đình còn nhiều nhọc nhằn, song chỉ cần nghĩ tới các con có tương lai tươi sáng là vợ chồng tôi đều cố gắng lao động...”. Hiện nay, người con lớn của bà Hợp đã lập gia đình và có công việc ổn định, còn con thứ hai đang học năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội, con thứ ba đang học lớp 12, năm nay dự kiến thi vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Ánh mắt bà Hợp lấp lánh vui khi nói về các con ngoan, học giỏi, biết thương yêu bố mẹ… Mong ước của vợ chồng bà là các con trưởng thành, có việc làm, không vất vả như cha mẹ…
Cùng ý nguyện, bà Trần Thu Hiền bán cá tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai) nói với phóng viên Báo Hànộimới: "Mỗi ngày tôi chỉ được ngủ khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Thế là đủ lắm rồi! Nghề buôn bán, quanh năm vất vả. Kiếm được đồng tiền vô cùng khó khăn. Dù bố mẹ không có điều kiện chăm sóc, nhưng các con tôi tự bảo ban nhau, đứa lớn dạy đứa bé học hành nên đều có thành tích học tập tốt. Đây là món quà vô giá dành cho tôi. Hy vọng năm tới, con lớn tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định…".
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản hạng 1 là chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Bên cạnh đó, còn có hệ thống các chợ hạng 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình), chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai), chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín), chợ đêm nông sản Văn Quán (quận Hà Đông). Các loại nông sản, thực phẩm tại Hà Nội được phân phối, tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua các chợ đầu mối, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô cho biết: Hầu hết những người làm việc tại chợ đầu mối đều là những người cần cù lao động, sẵn sàng chịu đựng vất vả vì gia đình, người thân. Ban Quản lý chợ luôn tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ thuận lợi… Đó cũng là cách thiết thực để hỗ trợ họ làm việc hiệu quả, góp phần cải thiện cuộc sống bản thân, gia đình.
Mỗi công việc đều có đặc thù riêng và các tiểu thương, người làm thuê tại chợ đêm cũng vậy. Không ai muốn làm việc đêm hôm vất vả, nhưng với những đồng tiền chắt chiu từ công việc này đã giúp họ cùng gia đình có cuộc sống tốt hơn... Những nỗ lực vượt qua khó khăn vươn tới đủ đầy, hạnh phúc của họ thật đáng trân trọng.