Đề xuất rút gọn từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ
Chính trị - Ngày đăng : 20:40, 19/02/2020
Tham dự có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực luật, hành chính.
Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) Lê Anh Tuấn cho biết, báo cáo nghiên cứu đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính - Kế hoạch đầu tư; Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ, như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ; đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, đồng thời điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo. Ngoài ra, có kiến nghị thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa - Thể thao và Thanh niên.
Cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ; 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 20 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ...
Theo ông Lê Anh Tuấn, mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nếu được hiện thực hóa sẽ là một bước đổi mới quan trọng để thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại hội thảo, góp ý vào “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Viện Khoa học tổ chức nhà nước, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, muốn có một cơ cấu Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần phải đánh giá, rà soát và làm rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp.
Các đại biểu thống nhất quan điểm cần đưa ra 2 phương án về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đề xuất phương án lựa chọn. Trong mỗi phương án, phải đánh giá được những ưu điểm, những hạn chế để có đề xuất phù hợp, bảo đảm mang tính thuyết phục cao và ứng dụng được trong thực tiễn. Đối với các bộ, các đại biểu cùng chung quan điểm cần hợp nhất và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ cho phù hợp.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ nên có từ 1 đến 2 người, nhằm tập trung quyền và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, của các bộ trưởng…
Các đại biểu cũng cho rằng, việc tinh gọn, giảm bớt bộ máy là nhiệm vụ rất khó khăn, và nếu giảm được từ 22 bộ xuống còn 20 bộ đã là một thành công.