Nhận thức đúng, ứng xử đúng

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:17, 20/02/2020

(HNMCT) - Thông tin về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) tại Việt Nam vào đầu tuần này cho thấy những điều đáng mừng. Hai tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa đã trải qua nhiều ngày không có ca bệnh mới. Tình hình ở Vĩnh Phúc khá lên sau khi Chính phủ, ngành Y tế và chính quyền địa phương thực hiện giải pháp quyết liệt nhằm cách ly nguồn lây nhiễm, khoanh vùng dập dịch. Số ca nhiễm Covid-19 được điều trị khỏi ngày một tăng...

Tuy nhiên, dù tự tin, bình tĩnh hướng về phía trước nhưng cũng cần phải lưu ý rằng dịch bệnh do Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực ở mức nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, điều cần thiết là sớm xác định những bài học kinh nghiệm, tiếp nhận một cách nghiêm túc để có được cách ứng phó hiệu quả hơn trong tương lai.

Một trong số bài học đó là sự cần thiết trang bị kỹ năng ứng xử trong tình huống xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cách thức đối phó với dịch bệnh của Việt Nam là “rất tốt”. Đó là cái nhìn dựa trên tổng thể kết quả phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam, nhưng không thể căn cứ vào đó để chủ quan nghĩ rằng từng cá nhân trong cộng đồng đã nhận thức đầy đủ về dịch bệnh cũng như trách nhiệm tham gia phòng dịch bằng cách bảo vệ mình, gia đình và những người xung quanh.

Nhìn lại những ngày vừa qua, có thể thấy nhiều cá nhân chưa có cách ứng xử phù hợp khi Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và Khánh Hòa, và trước đó đã có nhiều thông tin từ Trung Quốc về mức độ nguy hiểm của Covid-19 cũng như cách thức lây truyền khó lường. Việc đi khỏi khu vực cách ly dù thuộc diện “nguy cơ cao” không chỉ diễn ra một lần với một người. Đã có trường hợp đưa ra đòi hỏi về tiền để đổi lại sự đồng ý tuân thủ biện pháp cách ly.

Đã có một số ý kiến thể hiện quan điểm “đóng cửa” với người Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) - nơi có xã Sơn Lôi được cho là “tâm dịch” ở Việt Nam, không nghĩ rằng nếu không đồng hành, động viên và giúp đỡ những người thiếu may mắn thì dịch bệnh có thể lan tới cửa nhà mình... Đó là chưa kể những kẻ đang tâm làm giả trang bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch để cung cấp cho đồng bào của mình, tung tin giả nhằm tạo ra tình trạng hoảng loạn.

Hành động sai thường bắt đầu từ nhận thức sai, hoặc nhận thức rõ mối nguy hiểm nhưng không có kỹ năng tự bảo vệ. Một vài cặp vợ chồng chở con ra phố, con đeo khẩu trang nhưng bố mẹ thì không. Người lớn vào thang máy, dung dịch rửa tay khô ngay trước cửa mà không thèm dùng, lại lớn tiếng hỏi con khi về nhà là “đã rửa tay bằng xà phòng chưa?”. Những chiếc khẩu trang y tế đã sử dụng - loại dùng một lần - vương vãi ở nhiều nơi, hoặc được dùng lại. Những đám đông mê mải bàn tán, theo dõi hành trình truy bắt tội phạm, bất tuân nguyên tắc phòng dịch do Covid-19 là tránh nơi đông người khi không cần thiết... So với những ngày đầu khi mới thông báo dịch, có cảm giác nhiều người bắt đầu chủ quan khi thấy Covid-19 chưa “sờ” đến mình, không còn kỹ lưỡng như trước.

Nhận thức và kỹ năng sống của nhiều người chưa được tốt. Sự thiếu hụt đó dẫn đến hệ quả là đa phần trong số đó không hiểu được nguyên lý cơ bản trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm là bảo vệ mình cũng chính là bảo vệ người thân, gia đình, cộng đồng, và ngược lại. Thế mới có hiện tượng khá phổ biến là lo phòng bệnh chu đáo cho người thân nhưng mình thì lơ là, không góp ý hoặc phổ biến kinh nghiệm phòng dịch với hàng xóm bởi không nghĩ chống dịch bệnh truyền nhiễm phải là việc chung.

Nhận thức đúng về trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch bệnh và học hỏi kỹ năng sống, cách ứng xử trong tình huống khẩn cấp là yêu cầu lớn đối với mọi người. Biến đổi khí hậu, những diễn biến khó lường về điều kiện tự nhiên là một phần nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh đối với con người và vật nuôi. Vi rút Corona trở lại với chủng mới khó lường hơn. Dịch cúm A/H1N1 và A/H5N6 có nguy cơ bùng phát một lần nữa sau khi đã xuất hiện một số ổ dịch, gây hại cho gia cầm ở nước ta... Trong bối cảnh đó, chỉ khi từng cá nhân thấu hiểu trách nhiệm chung tay phòng, chống dịch bệnh và đủ kỹ năng để thực hiện điều đó thì xã hội mới có thể vận hành tốt trong những tình huống khẩn cấp.       

Hoàng Ngân