Mì ăn liền - Món ăn làm thay đổi nền văn hóa ẩm thực thế giới
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 18:55, 20/02/2020
Bảo tàng mì ăn liền mang tên Momofuku Ando được thành lập năm 1999 ở Ikeda thuộc Osaka, Nhật Bản để vinh danh món mì ăn liền lần đầu tiên được phát minh trên thế giới. Đến đây, du khách sẽ được tự tay làm mì và tìm hiểu rõ hơn về ông Momofuku Ando - cha đẻ của mì ăn liền.
Phía trước khu bảo tàng là bức tượng ông Momofuku Ando (1910-2007), người sáng lập tập đoàn Nissin Food, nơi sản xuất ra loại mì “Chicken Ramen” đầu tiên vào năm 1958, giúp những người dân nghèo Nhật Bản chống chọi với cái đói vào thời kỳ hậu Thế chiến II.
Trong cuốn tự truyện "Tôi đã phát minh ra mì ăn liền như thế nào" xuất bản năm 2002, ông Momofuku Ando kể lại quãng thời gian người Nhật phải làm việc cật lực để tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá. Đó là năm 1957, Nhật Bản còn thiếu thốn mọi thứ, nhất là thực phẩm. Ông Momofuku Ando phải xếp hàng rất lâu mới ăn được bát mì với giá "chợ đen".
Ý tưởng về việc sản xuất một loại thực phẩm ăn liền ngon, nấu nhanh để tiết kiệm thời gian, kinh tế, an toàn cho sức khỏe và bảo quản được lâu chợt nảy sinh. Ông Ando tập trung nghiên cứu món mì sợi vốn được người dân nước này ưa chuộng, thích hợp cho những người lao động thời kỳ hậu chiến.
Ando đã biến nhà mình thành một phòng thí nghiệm, nghiên cứu để làm sợi mì có thể giữ được lâu và nấu nướng nhanh chóng.
Biết rằng phơi khô sợi mì là một cách tốt để bảo quản chúng, ông đã phơi nắng như cách cổ truyền, rồi hun khói... nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Cho đến một ngày, ông nhìn thấy vợ mình làm món tempura (thịt cá hay rau quả chiên bột).
Ando để ý thấy rất nhiều lỗ nhỏ li ti trong lớp bột hỗn hợp ấy khi nó được rán thành tempura. Để làm món bột này, vợ ông cho nước vào bột mì. Khi rán món tempura, các phân tử nước trong bột bốc hơi xì xèo tạo thành những lỗ li ti ấy. Ando phát hiện ra rằng, khi rưới nước lên lớp bột rán thì lập tức nó mền nhũn ngay vì những lỗ này.
Thế là ông nhúng sợi mì vào một dung dịch gia vị để sợi mì thấm đủ hương vị và độ ẩm, sau đó rán rồi phơi khô. Phương pháp này đã giữ được mì lâu và rút ngắn thời gian nấu nướng trong bếp.
Từ những sợi mì khô và cứng đó, thêm chút gia vị và nước sôi, chỉ mất ba phút, bát mì khô được hoàn nguyên và có vị ngon riêng có. Kể từ đây, món mì ăn liền chính thức ra đời.
Năm 1958, sản phẩm mì ăn liền Chikin Ramen được tung ra thị trường. Ông Ando dựng một cửa tiệm nhỏ trong cửa hàng bách hóa Tokyo và cho khách hàng nếm thử món ăn này. Người ta đặt cho nó biệt danh là “Món mì kỳ diệu”. Sự tiện lợi của nó nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân và trở thành món ăn phổ biến trong xã hội Nhật Bản.
Năm 1966, trong một lần thăm Mỹ, ông Ando tiếp tục nảy ý tưởng làm mì cốc khi nhìn thấy một số khách hàng sử dụng cốc cà phê để ăn mì gói. Sau 5 năm phát triển, năm 1971, sản phẩm mì cốc (vì được đóng gói trong các cốc giấy) được đưa ra thị trường, giúp người ta có thể ăn mọi lúc, mọi nơi.
Chính nhờ mì ăn liền mà hàng triệu người đã sống sót trong các đợt thiên tai.
Phát minh mì ăn liền của ông Ando là nền tảng để ngành công nghiệp thực phẩm ăn liền ra đời và phát triển, dẫn đến những thay đổi trong thói quen sử dụng thực phẩm trên thế giới. Nhờ vậy, doanh thu của công ty và ngoại tệ mang về cho nền kinh tế Nhật Bản cũng thay đổi đáng kể.
Điều thú vị tại Bảo tàng Momofuku Ando là ngoài những gian trưng bày, còn có hẳn một dây chuyền sản xuất như trong một nhà xưởng thật sự để khách tham quan có thể tự trải nghiệm quá trình làm ra một cốc mì.
Rời bảo tàng, đọng lại trong lòng mỗi du khách là hình ảnh một người đàn ông nhỏ bé, phát minh ra một điều bé nhỏ nhưng đã làm thay đổi thế giới rộng lớn. Chỉ cần chăm chút cho một ý tưởng với lòng kiên định hướng tới tương lai tốt đẹp, chúng ta sẽ làm cho mình và mọi người xung quanh được hạnh phúc.