Chủ tịch VNR: Đường sắt quốc gia có nguy cơ phải dừng hoạt động chạy tàu
Giao thông - Ngày đăng : 14:14, 20/02/2020
Tham dự cuộc kiểm tra có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng; lãnh đạo các bộ: Nội vụ, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng đại diện 11 tập đoàn, tổng công ty.
Tại buổi làm việc, các tập đoàn, tổng công ty đã nêu những khó khăn trong quá trình hoạt động và kiến nghị.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nêu khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong cổ phần hóa bởi vướng mắc về xác định giá trị đất và việc sử dụng đất sau cổ phần hóa. Vì vậy, đại diện tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ có cơ chế đặc thù đối với dự án điện; sớm giải quyết những vướng mắc về cổ phần hóa.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình đường dây 500kV Vân Phong-Vĩnh Tân; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành chỉ thị tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2025 với chỉ tiêu tiết kiệm điện năm 2020 bằng 2% điện thương phẩm, đến năm 2025 bằng 5%; phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách.
Đáng chú ý, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh lo lắng về nguy cơ dừng hoạt động chạy tàu đường sắt quốc gia.
Theo ông Vũ Anh Minh, VNR đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, không phải do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà là do cơ chế, chính sách khi thay đổi người đại diện về quản lý vốn. Trong đó, nổi bật là theo quy định hằng năm, trước ngày 31-12, Bộ Giao thông Vận tải giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, bảo đảm hoạt động đường sắt.
Tiếp đến, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, bảo đảm tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, đến ngày 20-2-2020, VNR vẫn chưa nhận được dự toán. Người lao động vẫn chưa có tiền lương nên nguy cơ phải dừng chạy tàu vào tháng 3 tới là rất cao.
Nguyên nhân là theo quy định, khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc trong khi VNR không còn trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Trước vấn đề thu hút sự quan tâm này, tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo thêm về vấn đề này, đồng thời yêu cầu bộ, ngành, đơn vị liên quan cần đẩy nhanh kế hoạch giao vốn cho VNR. Trong mọi tình huống, VNR phải bảo đảm giao thông đường sắt hoạt động thông suốt, tuyệt đối an toàn.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, xem xét lại cơ quan quản lý VNR. Nếu cần thiết, đơn vị này có thể quay trở lại Bộ Giao thông Vận tải.