Bài cuối: Tận dụng tối đa lợi thế để phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 20/02/2020

(HNM) - Trước những cơ hội lớn mở ra từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang tích cực, chủ động vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị nhằm tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường nhiều tiềm năng này...

Gạo là mặt hàng có nhiều lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: Trần Xuân

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Hiện nay Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hiệp định và thị trường của các nước thuộc EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nhằm tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi hiệp định có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, xúc tiến thương mại, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, nâng cao kiến thức, chất lượng nguồn nhân lực... Song song với đó, Bộ cũng chú trọng hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc EU. Hệ thống cơ quan thương vụ tại EU thu thập thông tin, cung cấp các nội dung liên quan đến quy định, nhu cầu, sức mua và thị hiếu của từng thị trường thành viên EU cũng như phân tích các phân khúc thị trường để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước. Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm là chống gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương sẽ cùng các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, trong bối cảnh giao thương đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do Covid-19, các doanh nghiệp càng phải tận dụng thời cơ chuyển hướng nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ thị trường mới. Về lâu dài, cần thắt chặt mối liên kết giữa các đơn vị, đầu tư sản xuất nguyên liệu nội địa nhằm khép kín khâu cung ứng nguyên, phụ liệu với sản xuất, xuất khẩu. Qua đó nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu.

Các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trên thực tế, hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp về nội dung liên quan đến EVFTA đã diễn ra từ vài năm trước, với nhiều nội dung thiết thực và công việc này vẫn đang được tiếp tục theo hướng phù hợp với từng đối tượng. Chia sẻ giải pháp tuyên truyền về EVFTA tới doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Lê Văn Quân nhấn mạnh: "Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức ít nhất 5 hội thảo, với khoảng 100 đại diện doanh nghiệp/hội thảo để cung cấp thông tin về EVFTA. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới".

Đối với hoạt động xuất khẩu hải sản, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để bảo đảm yêu cầu của EU theo hướng không khai thác hải sản bất hợp pháp. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Bộ yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra; không cho các chủ tàu cá xuất bến khi chưa đủ thủ tục, bắt buộc các tàu cá xa bờ phải lắp thiết bị định vị, giám sát hành trình; công khai tọa độ đánh bắt cá để truy xuất nguồn gốc hải sản.

Doanh nghiệp tích cực chuyển động

Khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp sẽ giữ vai trò trung tâm trên “tuyến đường cao tốc hiện đại nối Việt Nam với châu Âu”. Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng nhập cuộc. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận xét, người tiêu dùng EU quen sử dụng gạo theo đúng phẩm cấp, chất lượng và đó là yêu cầu hàng đầu. Gạo Việt Nam vào EU hiện chịu mức thuế 5%-45% (có một số nước trong khối EU còn đánh thuế đến 100%). Tới đây, khi thuế suất bằng 0%, doanh nghiệp sẽ tận dụng tốt cơ hội này để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

EVFTA mang lại cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam. Thuế suất của sản phẩm giày thể thao - sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. So với các đối thủ cạnh tranh khác, sản phẩm này của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế 3,5%-4,2% khi xuất khẩu vào EU nên tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nắm bắt lợi thế từ hiệp định này, ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình - doanh nghiệp chuyên sản xuất giày thể thao cho biết, công ty đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, phần mềm quản lý cũng như những yêu cầu khác từ phía châu Âu để mở rộng sản xuất. 

Với việc triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; đặc biệt là sự chủ động vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng EVFTA sẽ thực sự là đòn bẩy cho tăng trưởng, giúp nước ta "tăng tốc" trong quá trình hội nhập và phát triển.

Sơn - Hiền