Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập

Nông nghiệp - Ngày đăng : 13:11, 20/02/2020

(HNMO) - Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh vào Việt Nam từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm. Đó là thách thức lớn đối với ngành chăn nuôi trong nước, được bàn luận tại hội thảo “Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và bảo đảm an toàn dịch bệnh” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 20-2.

Quang cảnh hội nghị.

Tại hội thảo, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, sản lượng thịt lợn cả nước chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018, thiếu hụt nguồn cung thịt lợn dẫn tới sự tăng giá mạnh. Năm 2019, giá thịt lợn tại trang trại tăng 22% so với năm 2018. Năm 2020, nếu không có bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, giá thịt lợn hơi sẽ ở mức 46.000 đồng/kg. Hiện, giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt, nhưng giá con giống khá cao khiến việc tái đàn của các nông hộ gặp nhiều khó khăn. 

Không chỉ lo về dịch bệnh, ngành chăn nuôi lợn đang chịu sức ép từ việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định EVFTA. Cụ thể, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh của các nước vào Việt Nam từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm. Với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ sau 8 năm. Trong khi đó, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam cao hơn 20-25% so với giá thịt đông lạnh nhập khẩu. Giá thịt lợn hơi tại trang trại cao hơn 40-60% so với giá tại trang trại của các nước phát triển…

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi nói chung, ngành hàng thịt lợn nói riêng, các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Các địa phương thận trọng trong công tác tái đàn, tránh dịch tái bùng phát, chỉ khuyến khích tái đàn đối với hộ chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Đối với các địa phương sau khi công bố hết dịch, cần theo dõi chặt chẽ việc tái đàn, tránh ồ ạt, dẫn tới dư nguồn cung. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất; cải thiện con giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Đối với nông dân, cần liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường. Các ngành chức năng cập nhật tốt các thông tin về quy định an toàn thực phẩm của các nước và xây dựng các tiêu chuẩn trong nước hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu...

Ngọc Quỳnh