Thủ tướng Chính phủ: Thi đua khen thưởng phải tạo khí thế mới
Chính trị - Ngày đăng : 13:22, 20/02/2020
Thủ tướng cho rằng, đóng góp tích cực của thi đua khen thưởng (TĐKT), các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp đã góp phần tạo khí thế lao động sản xuất sôi nổi, làm cho đất nước khởi sắc. “Chúng ta rất vui mừng là qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều nhân tố mới, nhiều điển hình tập thể, cá nhân với hàng vạn sáng kiến, giải pháp hữu ích, đóng góp tích cực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”.
Các phong trào thi đua có nhiều đổi mới sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị. Bốn phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phát động đã triển khai có hiệu quả, trở thành nòng cốt, định hướng các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành. Đặc biệt, phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới đã được phát động rộng khắp, vì thế, chúng ta đến đích trước gần 2 năm với gần 53% số xã và trên 16% số huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở tạo chuyển biến tích cực, hướng tới nền hành chính phục vụ người dân.
Công tác khen thưởng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, bảo đảm hơn tính công khai, minh bạch, đúng quy định, vừa tôn vinh cái tốt, cái thiện, vừa góp phần đấu tranh với cái xấu, cái ác, chấn chỉnh tình trạng “thành tích ít mà nói cho nhiều”, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Năm 2019, Chủ tịch nước, Thủ tướng đã tiến hành khen thưởng trên 110.000 trường hợp, trong đó khen thưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỷ lệ khen chuyên đề, đột xuất chiếm 8,79% và khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chiếm trên 25%. Đây là con số rất đáng khích lệ.
“Có thể nói, một khí thế mới, một niềm tin vào tương lai dân tộc với khát vọng đưa Việt Nam hùng cường đã được đưa vào phong trào thi đua yêu nước, thành động lực to lớn góp phần vào hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó”, Thủ tướng chỉ rõ.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phong trào thi đua ở một số nơi hiệu quả chưa cao, còn hình thức, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên. Việc tuyên truyền các phong trào thi đua, biểu dương nhân rộng điển hình tiên tiến chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, chưa đột kích vào các lĩnh vực còn nhiều tồn tại.
Công tác khen thưởng thông qua phát hiện, tìm các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào TĐKT cho công nhân, nông dân, người lao động chưa tạo sự chuyển biến đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương và cơ sở. Tổ chức, cán bộ làm công tác TĐKT ở một số bộ, cơ quan chưa ổn định, trong đó 24 tỉnh không có thành viên Hội đồng TĐKT là cựu chiến binh, những người có tiếng nói rất thẳng thắn.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tổ chức phát động các phong trào thi đua, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước. Các bộ, ngành, địa phương phát động các đợt thi đua cao điểm, thi đua nước rút tập trung giải quyết nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Đặc biệt, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không được chủ quan, chúng ta có yêu cầu rất nghiêm khắc đối với các cấp, các ngành trong việc ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc không chỉ là khống chế, đẩy lùi dịch bệnh mà mục tiêu rất quan trọng là giữ vững phát triển kinh tế của đất nước, không vì dịch bệnh mà ngưng trệ các hoạt động của xã hội.
Điều này đòi hỏi tinh thần yêu nước, một quyết tâm ý chí rất lớn thì mới vượt qua. “Còn nếu chúng ta trì trệ, chậm trễ, không quyết liệt thì chắc chắn thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm nay gặp nhiều khó khăn”.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở” khi mà hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ chưa phục vụ tốt người dân, chỗ này chỗ khác còn kêu ca nhiều.
Hội đồng TĐKT Trung ương phải tham mưu tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X để thực sự là Đại hội biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến trong toàn quốc, là kết tinh thành quả của các phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua; đồng thời tiếp tục phát động sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021-2025.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, bảo đảm trang trọng, thiết thực với nội dung, hình thức phong phú, tiết kiệm; lựa chọn, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, xứng đáng nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng đại hội đảng các cấp.
Đề cập việc Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, Thủ tướng cho rằng, sẽ mở ra không gian mới về phát triển kinh tế. “Vậy thì bản lĩnh Việt Nam trong độc lập dân tộc, hội nhập quốc tế là như thế nào”, Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các thành viên Hội đồng trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước tại các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt đối với các đơn vị được chọn đại hội điểm (Bộ Quốc phòng, tỉnh Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh), để tạo khí thế thực sự chứ không phải hình thức, khi được quần chúng hưởng ứng thì sẽ tạo sức mạnh rất lớn.
Về công tác khen thưởng, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích. Về dự án Luật TĐKT (sửa đổi), cần có sự nghiên cứu, xem xét một cách tổng thể, toàn diện, nhất là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, theo quy định của pháp luật.
Một khí thế mới, niềm tin vào tương lai của dân tộc với khát vọng đưa Việt Nam hùng cường đã được nhân dân hưởng ứng và đạt một số kết quả bước đầu. Công tác TĐKT phải góp phần vào động lực đó, đưa đất nước có bước tiến mới trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ.
110.435 trường hợp được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, năm 2019, bốn phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả quan trọng, định hướng cho các phong trào thi đua yêu nước. Tiêu biểu như phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đem lại kết quả rõ nét, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 4%…
Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 110.435 trường hợp. Trong tổng số cá nhân được khen thưởng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ khen thưởng chuyên đề, đột xuất chiếm 8,79%, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chiếm trên 25%.
Hiền Chi