Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2020: Nhiều cải tiến để nâng chất lượng “đầu vào”
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:42, 21/02/2020
Ổn định phương thức, phát huy quyền tự chủ
Công tác tuyển sinh năm 2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các nhà trường đánh giá thành công trên nhiều phương diện: Quy trình tuyển sinh cơ bản hoàn thiện; hiện tượng tuyển vượt chỉ tiêu được kiểm soát... Do đó, phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 vẫn được giữ ổn định như năm trước.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, phương thức tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2020 là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Còn các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tự quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay tiếp tục nhấn mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Các trường được tạo thuận lợi khi có thể sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển hoặc có thể vừa tổ chức thi, vừa căn cứ vào điểm trong học bạ của học sinh để xét tuyển... Đây là cơ hội để các đơn vị phát huy quyền tự chủ, song cũng là một thách thức không nhỏ để tạo dựng chất lượng thực chất, khẳng định uy tín, tăng sức hút đối với thí sinh.
Thông tin giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 đã giúp các em học sinh yên tâm học tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Em Nguyễn Minh Hoàn, học sinh Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, chia sẻ: “Việc giữ nguyên phương thức tuyển sinh khiến chúng em rất mừng và yên tâm học tập khi chỉ còn chưa đầy một học kỳ nữa là đến kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020”.
Siết chặt quy chế, tăng chế tài
Nhằm phát huy những thế mạnh của kỳ tuyển sinh năm 2019, đồng thời khắc phục những bất cập như việc một số trường đưa ra điểm sàn thấp để tăng số lượng nguồn tuyển, xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo..., năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh một số nội dung trong quy chế tuyển sinh.
Một trong những cải tiến đáng chú ý được đề cập tại dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non là quy định chặt chẽ hơn việc xây dựng tổ hợp bài thi, môn thi. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, các tổ hợp bài thi, môn thi để xét tuyển bắt buộc phải thực hiện theo nguyên tắc: Sử dụng kết quả của 3 bài thi, môn thi, trong đó phải có ít nhất một trong hai môn là toán hoặc ngữ văn; đồng thời, các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.
Về vấn đề này, ông Trần Mạnh Quân, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình cho rằng, với việc ban hành quy định chặt chẽ và sự giám sát của cơ quan chức năng, học sinh sẽ không bị làm khó bởi các tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo, như ngành Kế toán thi tổ hợp ngữ văn, lịch sử, địa lý; ngành Kiến trúc thi tổ hợp toán, ngữ văn, ngoại ngữ...
Còn theo cô giáo Phạm Thị Loan, Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, sự điều chỉnh này là cần thiết để học sinh phổ thông yên tâm học tập theo định hướng ngành nghề, tạo nền tảng nâng cao chất lượng “đầu vào” ở đại học, cao đẳng.
Để hạn chế việc các trường lợi dụng quyền tự chủ để mở thêm nhiều ngành mới, nhằm tăng số lượng nguồn tuyển, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường khi mở ngành mới cần căn cứ cả tính khoa học và thực tế, tránh việc chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời, làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. “Với những ngành mới, các cơ sở đào tạo phải chú ý xây dựng các điều kiện bảo đảm chất lượng bền vững. Bộ sẽ tăng cường giám sát việc mở ngành mới và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Từ nghịch lý của kỳ tuyển sinh năm 2019, khi tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao (115% chỉ tiêu), song tỷ lệ nhập học chỉ đạt 64%, dẫn đến việc nhiều trường hạ điểm chuẩn, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương siết chặt việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, những ngành được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng có thể tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng không được vượt quá 120% chỉ tiêu tuyển sinh của ngành đó trong năm trước liền kề. “Đó là quy định cần thiết, hạn chế việc tuyển sinh “ẩu”, khiến thí sinh thiệt thòi”, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, để ngăn ngừa hiện tượng thiếu trung thực, giảm các nguy cơ tiêu cực, tăng chất lượng “đầu vào” đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường giám sát ngay từ khâu tổ chức tuyển sinh. Toàn bộ danh sách thí sinh nhập học tại các trường sẽ được cập nhật trên Cổng thông tin tuyển sinh (http://thituyensinh.vn) để người học và xã hội cùng giám sát. Nếu tuyển sinh vượt số lượng so với năng lực thực tế hoặc tuyển vượt so với chỉ tiêu đã công khai trong đề án tuyển sinh, trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau.