Nơi lưu giữ ký ức nghề truyền thống đất cố đô
Du lịch - Ngày đăng : 16:46, 22/02/2020
Tinh hoa nghề truyền thống Huế
Tour “Tinh hoa nghề truyền thống Huế” là một sản phẩm du lịch nội đô trong khoảng thời gian 30 phút tới 1 giờ được du khách quốc tế và trong nước yêu thích. Trọng tâm của chương trình là tìm hiểu, tham quan, trình diễn nghề truyền thống như nghề làm nhang trầm, đèn lồng, đồng thời trải nghiệm cách chằm nón lá bài thơ, làm hoa giấy Thanh Tiên, làm diều Huế ngay tại Không gian văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế) và Phủ Nội vụ nằm trong Đại nội.
Điều đặc biệt, nơi tổ chức các hoạt động trải nghiệm tinh hoa làng nghề cũng là một phần của lịch sử đất cố đô. Tương truyền, dưới triều vua Thành Thái (1899 - 1907), đây từng là nơi các hoàng tử đến để học các môn khoa học phương Tây - gọi là nhà Tôn học. Rồi sau đó, điểm này trở thành nơi làm việc chính thức của vị Thượng thư bộ Học, gọi là Học bộ Thượng thư đường. Cuối cùng, nơi đây lại trở thành văn phòng Phủ Phụ chính đại thần. Hiện nay, không gian này là nơi giới thiệu các tư liệu về Lục Bộ triều Nguyễn. Không gian văn hóa Lục Bộ chỉ cách cửa Hiển Nhơn (Đại nội Huế) khoảng 5 phút đi bộ và không gian Phủ Nội vụ ở ngay cổng ra Hiển Nhơn nên rất phù hợp với các tour tham quan Đại nội Huế kết hợp trải nghiệm không gian nghề truyền thống và cung đình Huế.
Với những tín đồ ẩm thực, tour này là lựa chọn hấp dẫn khi người tham gia được trải nghiệm cách làm bánh trái cây ngũ sắc cung đình và thưởng thức Thượng viện ngự trà. Theo chị Ngô Minh Tuệ Đức, nhân viên của Không gian văn hóa Lục Bộ, bánh trái cây ngũ sắc là loại bánh đậu xanh hình trái cây, có nguồn gốc từ cung đình triều Nguyễn, được gọi là bánh “quý tộc” bởi trước kia vốn chỉ dành cho vua quan thưởng thức... Còn Thượng viện ngự trà là loại trà thảo dược, hình thành trên cơ sở nguyên tắc phối ngũ của lý luận y học cổ truyền phương Đông và các vị thảo dược mà Thượng trà viện triều Nguyễn khi xưa đã dùng để sao chế ở chốn cung đình.
Trong nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống mà cha ông để lại, Không gian văn hóa Lục Bộ không chỉ quan tâm tới thị hiếu của du khách, mà còn đầu tư xây dựng những chương trình trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập tại Thừa Thiên Huế, mục tiêu là để thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, truyền thống. Chị Ngô Minh Tuệ Đức cho biết: “Những giờ ngoại khóa thiết thực sẽ giúp các bạn học sinh, sinh viên tìm hiểu về lịch sử và di tích liên quan tới Lục Bộ, nơi khi xưa quan văn, quan võ làm việc cho triều đình nhà Nguyễn. Ở đây còn có không gian dành để tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, nơi du khách có thể tự tay làm các sản phẩm thủ công”.
Từng tham gia một chương trình khảo sát du lịch tại Huế, anh Đoàn Tuấn (Công ty du lịch Hanoi Toserco) ấn tượng bởi Không gian văn hóa Lục Bộ đậm đà bản sắc xứ Huế... Sức hấp dẫn ở không gian này chính là sự tham gia của các nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề truyền thống của cố đô Huế. Họ là người hướng dẫn và giới thiệu về các sản phẩm truyền thống, giúp cho tour trải nghiệm hấp dẫn hơn.
Giữ gìn vẻ đẹp cố đô
Khác hẳn với nhịp sống hiện đại đầy hối hả, khi đặt chân tới Không gian văn hóa Lục Bộ, du khách có thể cảm nhận vẻ khoan thai, nhẹ nhàng, sâu lắng đặc trưng của mảnh đất và con người xứ Huế. Trong không gian văn hóa đậm chất Huế, những nghệ nhân làng nghề truyền thống giới thiệu và trình diễn nghề truyền thống của quê hương mình với du khách. Ở đó, với nét đặc sắc riêng có, nón lá bài thơ, diều Huế, hoa giấy Thanh Tiên, phấn nụ cung đình Huế, rượu làng Chuồn, lồng đèn, nhang trầm... dễ dàng chinh phục du khách, trở thành những sản phẩm lưu niệm mang Huế đi muôn nơi.
Cùng nhau tìm hiểu văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống đất cố đô, trầm trồ với nét tinh tế của nghệ thuật thư pháp hay tìm về ký ức tuổi thơ qua những cánh diều, du khách có thêm kỷ niệm đẹp về mảnh đất cố đô giàu truyền thống. Chị Lê Thị Tuyết (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nhớ ngày còn nhỏ, một trong những món quà đặc trưng của Huế mà mẹ tôi hay được nhận là nón bài thơ. Chiếc nón mong manh, điệu đà với những hình ảnh về chùa Thiên Mụ, áo dài tím theo tôi suốt cả tuổi thơ. Bởi vậy, lần này tới Huế, tôi quyết tâm đến đây để tự tay làm một chiếc nón lá tặng mẹ mình. Không chỉ có vậy, sau một hành trình khám phá lăng tẩm, đền đài, tôi được trải nghiệm thêm nét đặc sắc của xứ Huế, được xem, ngắm nhìn, thưởng thức bánh, trà cung đình. Những không gian văn hóa như Lục Bộ đã góp phần tô điểm vẻ đẹp mảnh đất cổ kính này”.
Duy trì hoạt động đến nay đã được 5 năm, Không gian văn hóa Lục Bộ thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới tìm hiểu và trải nghiệm. Không chỉ giữ chân khách du lịch bằng những hoạt động mới, các chương trình đặc biệt tại không gian này còn giúp du khách tiết kiệm thời gian, công sức khi không tới từng làng nghề mà vẫn có thể “chạm” vào tinh hoa làng nghề xứ Huế. Cách làm này góp phần lưu giữ ký ức nghề truyền thống, là tài sản quý báu của con người cũng như vùng đất xứ Huế đầy mộng mơ, để Huế luôn là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách trong nước và quốc tế...