Di sản ký ức của các nhà khoa học
Văn hóa - Ngày đăng : 07:07, 22/02/2020
Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam được xây dựng từ năm 2008, trên diện tích rộng 34ha với đồi núi, hệ thống cây xanh nằm giữa không gian văn hóa Mường và vùng cam Cao Phong nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Đây là một công viên văn hóa - khoa học hướng đến tổ chức hoạt động theo mô hình đa năng và nội dung cốt lõi tạo nên sự khác biệt, độc đáo của công viên chính là di sản của các nhà khoa học.
“Chúng tôi muốn di sản được lưu giữ và giới thiệu với công chúng trong một không gian mở, có suối, có hồ, có thiên nhiên cây cỏ để hòa quyện giữa tính khoa học và thư giãn tâm hồn. Chính vì thế chúng tôi quyết tâm xây dựng một công viên di sản thật đẹp để lưu giữ, tôn vinh và phát huy giá trị những tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học chân chính đã để lại cho đất nước”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn MEDDOM cho biết.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, MEDDOM đang lưu giữ tài liệu hiện vật của khoảng 1.800 nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, công nghệ của nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng của đất nước tin cậy gửi gắm tài liệu hiện vật vào MEDDOM. Qua những việc làm thể hiện ý nghĩa nhân văn và khoa học, các nhà khoa học và gia đình họ đã hợp tác, ủng hộ và trao tặng MEDDOM nhiều tư liệu hiện vật quý.
Cùng với sứ mệnh sưu tầm, bảo quản, MEDDOM luôn hướng đến việc phát huy những di sản quý giá đó. Việc xuất bản các bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học”, “Những câu chuyện hiện vật”… đã giúp người đọc hiểu hơn về những đóng góp của các nhà khoa học, qua đó khuyến khích sự học hỏi, sáng tạo, vun đắp tình yêu, ước mơ với ngành nghề mà mình theo đuổi. Đặc biệt, MEDDOM còn kết hợp với Học viện Quản lý giáo dục để đưa các nội dung về giá trị sống, kỹ năng sống gắn liền với di sản nhà khoa học vào chương trình ngoại khóa của học sinh phổ thông.
Không ít du khách khi ghé thăm MEDDOM đã không khỏi xúc động khi xem lại một trang bản thảo nhuốm màu thời gian hay tận mắt ngắm chiếc máy chữ đã nhòe mờ nút phím, hoen gỉ qua năm tháng. Nhiều người chăm chú lắng nghe những câu chuyện kể về quá trình nỗ lực học tập, vươn lên chiếm lĩnh tri thức của các nhà khoa học để phục vụ đất nước...
Nhìn những kỷ vật đã từng gắn bó suốt cả cuộc đời nhà khoa học, sinh viên Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học Y khoa Đà Nẵng chia sẻ: "Kho tàng quý giá về trí tuệ, tình cảm và sự cống hiến của những nhà khoa học như tiếp thêm động lực cho chúng tôi nối bước truyền thống tốt đẹp của cha anh".
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho rằng: "Công viên có những câu chuyện thật, những hiện vật thật kể về cuộc đời các nhà khoa học với những đóng góp thật. Sự thật luôn có sức mạnh tối thượng, tác động vào niềm tin và cảm xúc của mọi người, qua đó giáo dục thế hệ trẻ tiếp bước cha ông làm nên những điều thần kỳ cho Việt Nam và nhân loại".
Trong những ngày đầu xuân này, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam thực sự trở thành điểm hẹn của ký ức. Nhiều gia đình đã đến đây thăm lại những di sản của người thân, ôn lại những kỷ niệm của một thời sôi nổi, nhiệt huyết. Hầu hết du khách, các nhà khoa học và gia đình của họ đều bày tỏ sự hài lòng, trân trọng ý tưởng và sự nỗ lực không ngừng của MEDDOM.