Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói gì về việc "giải cứu" dưa hấu, tôm hùm?
Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 22/02/2020
Trong cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ góc nhìn về chuyện “giải cứu” nông sản do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Lý giải chuyện “giải cứu”, Bộ trưởng cho biết, ở Việt Nam đang có 2 quy mô nông nghiệp song song tồn tại. Một là quy mô sản xuất lớn tập trung. Ở mô hình này, có các doanh nghiệp lớn đóng vai trò rường cột, hạt nhân trong chuỗi liên kết với người nông dân.
Ở quy mô này, các doanh nghiệp gần như ít bị ảnh hưởng do xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa có chất lượng cao. Nếu có khó khăn, doanh nghiệp hạt nhân sẽ hỗ trợ tác động tới người nông dân trong chuỗi liên kết.
Sản xuất nhỏ lẻ dễ gặp rủi ro
Quy mô thứ hai, chiếm tỷ lệ lớn hơn là hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, cả nước hiện vẫn còn 7-8 triệu hộ nông dân, hơn 80 triệu mảnh ruộng. 35% lực lượng lao động đang sống phụ thuộc chính vào nông nghiệp.
Chính quy mô sản xuất nhỏ lẻ này dễ gặp rủi ro hơn trên thị trường, điển hình là dịch Covid-19 vừa qua. Bộ trưởng khẳng định đã là nền kinh tế thị trường thì chuyện giá cả lên, xuống là đương nhiên. Tuy nhiên, vẫn có những cách để hạn chế việc giá cả xuống thấp, phải “giải cứu” nông sản như thời gian vừa qua.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cần phải tập hợp nhau lại, bằng cách vào các hợp tác xã kiểu mới, giống như mô hình một doanh nghiệp.
“Chúng ta có 7 - 8 triệu hộ nông dân, nếu không thành lập các hợp tác xã kiểu mới thì rất khó giải quyết được vấn đề đó. Chúng ta đã có chủ trương, luật, và thực tiễn chứng minh điều đó”, Bộ trưởng nhận định.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT đưa ra ví dụ về sự thành công những năm qua của Sơn La. Bộ trưởng cho biết, chỉ sau vài năm, Sơn La đã thành lập được hơn 400 hợp tác xã kiểu mới với hàng hóa phong phú, chế biến sâu. Trên toàn tỉnh đã có 136 cơ sở chế biến, tạo ra những mặt hàng có giá trị cao.
Không thể một sớm một chiều
“Để có các hợp tác xã kiểu mới rất cần sự quan tâm của nhiều cấp, của chính quyền địa phương, liên minh hợp tác xã Việt Nam... động viên người dân tham gia”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận chuyện nhân rộng mô hình, hay chấm dứt việc “giải cứu” nông sản không phải một sớm, một chiều. Điều này còn phụ thuộc vào cả quá trình đi lên của xã hội.
Trong tương lai, cả nước sẽ phấn đấu giảm lao động trong nông nghiệp xuống còn khoảng 10-15%, để có điều kiện tích tụ ruộng đất, thay đổi phương thức sản xuất...
Nói về triển vọng ngành Nông nghiệp năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết hoàn toàn có thể vượt mốc xuất khẩu của năm 2019 là 41,3 tỷ USD, các ngành hàng nông nghiệp đều có những triển vọng tốt và kim ngạch xuất khẩu cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến khâu phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, để hàng hóa Việt Nam có thể đến được nhiều nước, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
“Ngay hôm nay (22-2), chúng tôi có một đoàn đi Mỹ với 19 doanh nghiệp để xúc tiến mở rộng thị trường. Đó là chưa kể một đoàn đang đi Dubai, một đoàn khác đi Brazil. Sau khi về chúng tôi tiếp tục đi Nga. Như vậy, công tác phát triển thị trường mới là liên tục và liên tục”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.