Ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản
Văn hóa - Ngày đăng : 06:58, 23/02/2020
Hiện đại và hấp dẫn
Mặc dù đã khép lại được gần 1 tháng, song dư âm từ triển lãm “Canh Tý: Áo dài và hoa” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dịp Tết Nguyên đán vừa qua vẫn đọng lại sâu sắc trong lòng người xem, bởi sức hấp dẫn của sản phẩm trưng bày, cách kể chuyện sinh động cùng lối ứng dụng công nghệ thực tế ảo đầy choáng ngợp.
Từng tham quan triển lãm này, bà Nguyễn Bích Thanh (phố Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chia sẻ: "Tôi vô cùng yêu thích áo dài, nhưng cũng không hình dung được những câu chuyện về áo dài lại lôi cuốn đến thế. Đặc biệt, với phòng trải nghiệm thực tế ảo tại triển lãm, tôi được trải nghiệm, hòa mình vào nhiều không gian văn hóa đặc trưng của đất nước, chiêm ngưỡng trang phục truyền thống được hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử".
Trước đó, trung tuần tháng 11-2019, triển lãm Hermès heritage (Hermès - di sản đương đại) tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng mang đến những cảm xúc mới mẻ, đầy hào hứng cho du khách, khi thay thế hoàn toàn cách chú thích truyền thống bằng động tác quét mã thẻ nhanh gọn với điện thoại cá nhân, để khai thác thông tin hiện vật. Cùng một thiết bị liên lạc, người xem còn có thể nghe thuyết minh tỉ mỉ, cặn kẽ về các tư liệu, hiện vật bản thân quan tâm, bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Cũng trong chuỗi hoạt động quảng bá di sản dịp này, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai trương “Khu trải nghiệm cùng di sản” được bố trí tại nhà Hữu Vu thuộc điện Đại Thành. Điểm nổi bật ở đây chính là hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị cho hoạt động giáo dục di sản, như: Máy chiếu, máy tính bảng phục vụ hoạt động trình chiếu clip; thuyết trình phim, ảnh tư liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám và lịch sử khoa cử ở Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: "Trung tâm đã và đang khai thác những tính năng phù hợp nhất của công nghệ cho hoạt động tại di tích như công nghệ 3D scanning lưu giữ hình ảnh di tích; thiết bị thuyết minh tự động..., được công chúng và du khách đón nhận".
Nâng cao hiệu quả bảo tồn, quảng bá di sản
Không chỉ có Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà nhiều địa chỉ văn hóa khác ở Hà Nội cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Có thể kể đến Bảo tàng Hà Nội với nhiều chương trình ứng dụng công nghệ đa chiều, nhiều tương tác trong trưng bày nghệ thuật hội họa “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”; triển lãm đa phương tiện “Tranh dân gian Hàng Trống”...; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội áp dụng phần mềm hướng dẫn tham quan trên điện thoại di động; nhiều di sản trong phố cổ Hà Nội ứng dụng công nghệ ảnh “360 độ”, đem đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về các di tích, công trình nghệ thuật kiến trúc trước khi tham quan thực tế...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho rằng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày, triển lãm tại nhiều bảo tàng, di tích tại Hà Nội đã tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn, cuốn hút công chúng hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp mà ngành Văn hóa Thủ đô chú trọng đầu tư trong thời gian tới, nhằm tăng cường quảng bá, cung cấp nhiều hơn những cơ hội khám phá di sản thông qua các ứng dụng công nghệ cho công chúng...
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, công nghệ ngày càng là một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Để làm tốt hơn điều này, việc “số hóa” di sản là bước đi quan trọng vừa góp phần lưu giữ hình ảnh, tư liệu, vừa mang di sản đến gần hơn với công chúng. “Các đơn vị quản lý di sản cần xây dựng những chương trình ứng dụng công nghệ dễ sử dụng với thiết bị cầm tay thông minh; đồng thời, tích cực vận dụng công nghệ thực tế ảo, tăng cường hiệu quả truyền tải những thông điệp, ý nghĩa của vật trưng bày đến người xem”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy lưu ý.
Liên quan đến vấn đề này, trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030; thực hiện “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2017-2020” theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết: Thời gian gần đây, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các chương trình thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau... đã xuất hiện ở nước ta ngày một nhiều. Công nghệ quét và in 3D cũng được sử dụng rộng rãi hơn nhằm phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, từ trưng bày, nghiên cứu… đến bán hàng lưu niệm. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đã và đang góp phần thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả hơn.