Bảo đảm tối đa quyền lợi cho người lao động tại các thị trường ngoài nước

Đời sống - Ngày đăng : 16:11, 24/02/2020

(HNMO) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Văn bản số 604/LĐTBXH-VP về việc phòng, chống dịch Covid-19, được ban hành chiều 24-2.

Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (ảnh minh họa).

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan có trách nhiệm xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết, nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bùng phát tại các nước này.

Cụ thể, các đơn vị khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường; đồng thời, đưa ra phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài cũng như hỗ trợ người lao động khi về nước, cách ly, chữa bệnh. Quy mô cách ly có thể dưới 1.000 người, từ 1.000 đến 5.000 người, từ 5.000 đến 20.000 người…

Ngoài ra, các cơ quan quản lý lao động ngoài nước cần tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động; tuyên truyền cho người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; ngăn ngừa người lao động phản ứng tiêu cực… Trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, các đơn vị cũng phải chủ động tính toán các phương án. 

Cục Việc làm cần xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hoặc di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam; thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.

Cùng với đó, Cục Việc làm xây dựng các phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm. Mỗi phương án cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện, như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm…

Trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài do dịch Covid-19 kéo dài, Cục Việc làm cũng phải có phương án hỗ trợ doanh nghiệp. 

 Vụ Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly…

Minh Ngọc