Chế độ nào dành cho người bị cách ly để phòng dịch Covid-19?

Đời sống - Ngày đăng : 19:43, 24/02/2020

(HNMO) - Người lao động bị buộc thực hiện cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 có được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly hay không? Người dân nên làm gì để không bị “mắc bẫy” các dịch vụ “ăn theo” dịch Covid-19?... là những vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Người bệnh được điều trị miễn phí

Tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chiều 24-2, Bộ đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bàn việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị buộc thực hiện cách ly y tế để phòng dịch Covid-19. 

Theo đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những người bị cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên được hưởng chế độ ốm đau theo quy định trong thời gian cách ly.  

Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người bị cách ly y tế, gồm: Trường hợp điều trị nội trú (giấy ra viện); trường hợp điều trị ngoại trú (giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú)…

Trường hợp cách ly tại cơ sở (ngoài nhà riêng) thì cơ sở thực hiện cách ly y tế có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có).

Với trường hợp cách ly tại nhà thì trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú, căn cứ danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động, làm căn cứ giải quyết chế độ ốm đau theo quy định.

Tuy nhiên, nội dung này liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều quy định, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục trao đổi, bàn bạc để có hướng giải quyết phù hợp, hài hòa với tất cả các bên. Trước mắt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Vụ Bảo hiểm xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly để phòng dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nội dung này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) xác nhận, theo quy định của pháp luật hiện hành, những người bệnh được xác định dương tính với Covid-19 sẽ được điều trị miễn phí. Cụ thể, tại Quyết định công bố dịch do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 1-2-2020, Thủ tướng xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người. Theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ được miễn viện phí. Vì thế, người bệnh được xác định dương tính với Covid-19 - bệnh truyền nhiễm nhóm A sẽ được điều trị miễn phí.

Với những trường hợp người bệnh thuộc diện nghi ngờ nhiễm Covid-19, nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, người bệnh sẽ được thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định. 

Cũng liên quan đến việc thanh toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân nghi ngờ nhiễm bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám, chữa bệnh khi nghi ngờ nhiễm Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc người dân nói chung, người lao động bị buộc thực hiện cách ly y tế để phòng dịch Covid-19 luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt. 

Tìm hiểu kỹ thông tin khi tham gia các gói bảo hiểm thương mại

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao, nên nhiều người tìm mua các gói bảo hiểm thương mại. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, dịp này, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm đã “tung ra” những gói bảo hiểm hấp dẫn. Chẳng hạn, Tổng công ty Bảo hiểm PVI nhanh chóng phát triển sản phẩm Corona++. Với gói bảo hiểm Corona++1, phí bảo hiểm 195.000 đồng/người/năm, số tiền bảo hiểm sẽ là 100 triệu đồng/người, phạm vi bảo hiểm với trường hợp tử vong do chủng vi rút corona và do tai nạn bệnh tật. Với gói bảo hiểm Corona++2, chi phí bảo hiểm 330.000 đồng/người/năm, số tiền bảo hiểm lên tới 100 triệu đồng/người, phạm vi bảo hiểm rộng hơn bao gồm trợ cấp nằm viện 300.000 đồng/người/ngày. 

Bảo hiểm Manulife Việt Nam bán qua sàn thương mại điện tử Shopee ba sản phẩm có giá lần lượt là 199.000 đồng, 599.000 đồng và 999.000 đồng mỗi năm. Đối tượng tham gia là khách hàng từ 18-40 tuổi. Khách hàng bị nghi hay đã xác định dương tính với Covid-19 sẽ được miễn thời gian chờ, số tiền trợ cấp y tế được tính theo mức giá nằm viện tại khoa chăm sóc đặc biệt, tương ứng 200.000 đồng, 400.000 đồng và 600.000 đồng/người/ngày. Tương tự, gói bảo hiểm Encovy (nCoV Shield) là sản phẩm mới của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), được giới thiệu có mức chi phí 200.000 đồng/người/năm, nhưng có quyền lợi lên tới 100 triệu đồng/người. Trong trường hợp nghi nhiễm Covid-19 hoặc điều trị cách ly, khách hàng có thể nhận được chi phí nằm viện 100.000 đồng/người/ngày… 

Việc người dân tham gia bảo hiểm, chủ động tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là tốt. Tuy nhiên, tại thời điểm này, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, mức đóng, thời gian đóng, quyền lợi được thụ hưởng trước khi tham gia các gói bảo hiểm thương mại. Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, tổ dân phố 1, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) phản ánh: “Tin vào lời giới thiệu hấp dẫn, tôi đã đăng ký mua một gói bảo hiểm thương mại. Nhưng, khi đi vào nội dung ký kết, số tiền tôi phải đóng cao hơn nhiều mức tiền các công ty đưa ra chào khách”. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội lưu ý, người dân nên cân nhắc kỹ khi quyết định tham gia các gói bảo hiểm thương mại. Những người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có thể yên tâm sử dụng thẻ để khám, điều trị bệnh trong trường hợp không may bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19… 

Hiền - Trang