Phát triển thị trường bất động sản lành mạnh
Bất động sản - Ngày đăng : 07:54, 24/02/2020
Theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn. Cụ thể, từ ngày 1-1-2020 đến hết 30-9-2020, tỷ lệ này ở mức 40%, sau đó giảm theo lộ trình qua từng năm xuống còn 37%, 34% và bắt đầu từ ngày 1-10-2022 chỉ còn 30%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư, người mua nhà đã chuẩn bị tâm thế hạn chế phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản. Bà Nguyễn Thị Ngọc Minh (ngụ phường 13, quận 4) cho biết: "Giữa năm 2019 tôi đã dùng khoản tiền hơn 2 tỷ đồng tiết kiệm để đầu tư một căn hộ ở quận 7. Đến nay, sản phẩm chưa có giao dịch do thị trường bất động sản trầm lắng, nhưng tôi xem đó như khoản đầu tư lâu dài”.
Về phía doanh nghiệp, bà Hương Nguyễn, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, việc nâng hệ số rủi ro như quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN là hoàn toàn cần thiết để giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thị trường phát triển quá “nóng”; đồng thời kiềm chế hoạt động đầu cơ, qua đó giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định hơn.
Trước ý kiến lo ngại việc siết chặt cho vay trong lĩnh vực bất động sản sẽ gây khó khăn cho thị trường, kéo theo khó khăn cho nền kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) nhận định, khi ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, đo lường tất cả những tác động có thể xảy ra, trên nguyên tắc an toàn hệ thống tín dụng ngân hàng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), với Thông tư 22/2019/TT-NHNN, thách thức đặt ra là có nhưng về lâu dài lại trở thành cơ hội. Bởi doanh nghiệp muốn thích nghi với lộ trình siết chặt tín dụng phải đứng vững bằng chính nội lực, bằng những sản phẩm bất động sản chất lượng, tạo uy tín và thu hút nhiều người mua nhà. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại quy mô, hoạt động đầu tư và lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến cuối tháng 1-2020 đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ của chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở còn trên 3.300 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, mới đây UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ hơn 30 doanh nghiệp bất động sản. Tại hội nghị, các doanh nghiệp nêu ý kiến gặp khó khăn trong triển khai các dự án, khiến nguồn cung sụt giảm mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định, lãnh đạo thành phố tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó ban hành các chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản. Dự kiến trong quý I-2020, UBND thành phố xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng nhằm góp phần tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.