Giá vàng SJC nhảy vọt, hướng tới mốc 47 triệu đồng/lượng
Tài chính - Ngày đăng : 09:37, 24/02/2020
Lúc gần 9h ngày 24-2, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 46,3 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng (mua vào) và 800.000 đồng/lượng (bán ra) so với cuối tuần trước. Tập đoàn Doji tăng 420.000 đồng/lượng (chiều mua) và 520.000 đồng/lượng (chiều bán), để mức 46,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,6 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch giá vàng miếng ở mức 46,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,75 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 650.000 đồng/lượng (mua vào) và 700.000 đồng/lượng (bán ra). Đặc biệt, giá vàng nhẫn được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 46,2 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,95 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng (chiều mua) và 700.000 đồng/lượng (chiều bán).
Như vậy, sau khi tăng tới hơn 1,6 triệu đồng/lượng vào tuần trước, giá vàng trong nước mở đầu tuần mới bằng phiên biến động mạnh.
Biên độ mua-bán được doanh nghiệp nới lên rất rộng, phổ biến ở mức 400.000-750.000 đồng/lượng. Động thái này thường thấy mỗi khi giá biến động mạnh để doanh nghiệp hạn chế rủi ro. Với biên độ trên và diễn biến nhanh của giá vàng, người dân cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Cũng vào thời điểm hơn 9h, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng 18,1 USD/ounce, lên mức 1.661,1 USD/ounce. Nguyên nhân là bởi dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở một số nước, ngoài khu vực trọng điểm dịch là Trung Quốc, khiến nhà đầu tư đổ xô nắm giữ những mặt hàng an toàn, trong đó có vàng, nhằm bảo đảm tài sản.
Trước đó, phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng thế giới tăng hơn 28 USD/ounce, lên mức 1.643 USD/ounce, có thời điểm chạm mức cao nhất 7 năm qua. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 3,9%.
Giá vàng biến động mạnh, cần thận trọng!
Nếu lấy ngưỡng 1.660 USD/ounce so với thời điểm đầu năm, giá vàng thế giới đã tăng tới khoảng 143 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá vàng thế giới ở mức khoảng 46,45 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và các chi phí khác).
Tại thị trường trong nước, chỉ tính riêng trong tuần qua (17-2 đến 22-2), giá vàng đã liên tục đi lên, lần lượt vượt qua mốc 45 triệu đồng/lượng và 46 triệu đồng/lượng. Trong phiên ngày 24-2, giá vàng tiếp tục tăng vọt và vượt mốc 47 triệu đồng/lượng. Như vậy, chưa đầy 10 ngày, giá vàng trong nước đã tăng gần 3 triệu đồng/lượng, còn tính từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý “đội” hơn 4,6 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 9,8%.
Trong tuần qua, sức mua và bán vàng trên thị trường khá yếu, hầu như không có những giao dịch đột biến. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, giao dịch trên thị trường tăng đáng kể. Theo đại diện Tập đoàn Phú Quý, giao dịch trên thị trường tăng khoảng 40% so với tuần trước, trong đó số người mua vào chiếm ưu thế.
Dự báo, nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát sớm, giá vàng có thể tiếp tục tăng. Theo Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ, giá vàng có thể chạm mức 1.850 USD/ounce trong tương lai gần nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát trong quý II-2020.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính và ngân hàng, nhận định, giá vàng có thể chạm mốc 1.700 USD/ounce nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát trong tháng 3. Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh và biên độ mua-bán vàng ở mức rộng như hiện nay, nhà đầu tư cần thận trọng, việc đầu cơ, “lướt sóng” rất rủi ro. Nếu mua vàng, nhà đầu tư chỉ nên mua tích trữ hoặc đầu tư dài hạn.
“Chênh lệch giá mua-bán ở mức 700.000 đồng là mức rủi ro lớn nếu mua vào. Hơn nữa, giá vàng diễn biến khôn lường, đang tăng mạnh nhưng có thông tin tích cực, ngay lập tức có thể giảm sâu”, chuyên gia này nói.
Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín nhìn nhận, giá vàng đang tăng khi có nhiều yếu tố hỗ trợ. Tuy nhiên, mặt hàng này biến động rất bất thường. Việc đầu cơ, mua vàng để chờ giá lên vào thời điểm này sẽ rất rủi ro.