Hiệu quả cả trước mắt và lâu dài

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:31, 26/02/2020

(HNM) - Lâu nay, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại nghịch lý là trong khi các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động nhộn nhịp thì ở những lò mổ công nghiệp, được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại lại rơi vào cảnh đìu hiu, cầm chừng (chỉ đạt 30-50% công suất).

Điều đáng lo ngại là các điểm giết mổ nhỏ lẻ thường nằm xen kẽ trong khu dân cư vừa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa ô nhiễm môi trường và gây khó khăn cho công tác quản lý lĩnh vực này.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản vẫn là xuất phát từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán đã tồn tại từ lâu. Người chăn nuôi, người hành nghề giết mổ vẫn có thói quen “tiện đâu mổ đấy” nhằm tiết kiệm chi phí, nhanh gọn… Trong khi đó, không ít địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý giết mổ, chưa quyết liệt trong việc di dời các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào khu tập trung. Ở các chợ dân sinh vẫn còn tình trạng sản phẩm thịt có kiểm soát và thịt không kiểm soát chất lượng được tự do buôn bán như nhau… Đáng nói, thói quen tiêu dùng của người dân còn thích sử dụng thịt tươi sống; dễ dàng chấp nhận sản phẩm giết mổ không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm bày bán tại chợ.

Ở chiều ngược lại, với số lượng ít ỏi cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung đã đi vào vận hành nhưng hoạt động chưa hiệu quả - một phần do dây chuyền máy móc chưa đồng bộ, nhưng sâu xa hơn là do không gắn với chế biến, chưa hình thành được chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng chưa có chính sách hiệu quả thu hút, khuyến khích, kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng điểm giết mổ hoặc không bố trí được vốn đầu tư…

Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp; vấn đề an toàn thực phẩm chưa vơi nhức nhối…, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố”. Đây là bước đi quan trọng để đưa hoạt động này từng bước đi vào nền nếp; giúp ngành chăn nuôi của Thủ đô phát triển ổn định, bền vững.

Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, gồm 29 cơ sở giết mổ theo quy mô khác nhau, được phân bổ ở các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Để làm được điều đó, trước tiên các sở, ngành chức năng và địa phương cần rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, nhất là về đất đai, nguồn vốn… hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Quá trình triển khai xây dựng cần thực hiện nghiêm các quy hoạch đã duyệt và phải gắn chặt với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, đồng thời quan tâm tới gắn kết cơ sở giết mổ với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, các huyện, thị xã cần làm tốt công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đúng quy định pháp luật. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần ban hành quy định, có lộ trình bắt buộc các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ phải di dời vào cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát; chấm dứt việc giết mổ trong khu dân cư. Tiếp tục nghiên cứu, có sự phân cấp trong lĩnh vực quản lý giết mổ gia súc, gia cầm với mỗi loại hình giết mổ khác nhau để tạo hiệu quả thực chất.

Xây dựng, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung sẽ mang lại hiệu quả cả trước mắt và lâu dài: Trước mắt là từng bước kiểm soát tốt việc giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; còn lâu dài là tạo đà cho chuỗi liên kết chăn nuôi phát triển bền vững.

Chí Kiên