“Nhịp cầu” kết nối thương yêu
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:53, 26/02/2020
Dù là người góp phần trao truyền niềm tin, nghị lực sống cho không ít trẻ em chịu thiệt thòi, đã được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019, nhưng chị Hạnh chỉ nhận mình là “nhịp cầu” kết nối thương yêu.
Hành trình chinh phục ước mơ
Địa điểm Nguyễn Thị Hạnh hẹn gặp chúng tôi không phải là nơi làm việc, nơi tổ chức sự kiện, mà là một quán cà phê yên tĩnh. Nhìn phin cà phê nhỏ giọt, chị Hạnh gọi đó là “giọt yêu thương tý tách” và so sánh: “Cà phê - món đồ uống không phải ai cũng sử dụng được có vị đăng đắng, chát chát rất ấn tượng. Hương vị ấy có được sau cả quá trình vun trồng, chăm sóc, chế biến bền bỉ, sáng tạo với sự tham gia của nhiều người. Trong cuộc sống cũng vậy, khi có nhiều người quan tâm, chăm sóc, định hướng, dẫn dắt, thì những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, thậm chí cá biệt có thể mang lại những giá trị đặc biệt cho cộng đồng, xã hội”. Chị Hạnh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Trong không gian thân thiện đó, Nguyễn Thị Hạnh mở lòng chia sẻ về hành trình đi qua gian khó để chinh phục ước mơ. Theo lời kể, chị sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở thôn Đông Trù, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Từ nhỏ, Hạnh đã thiếu thốn tình cảm của bố. Tình yêu thương của mẹ dành cho Hạnh luôn đong đầy, nhưng do sức khỏe yếu, nên bà không đủ khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc Hạnh. Để con gái có cuộc sống tốt hơn, bà gửi Hạnh vào các trung tâm bảo trợ xã hội từ năm 1993. Sau gần 2 năm sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), đến năm 1995, Hạnh được chuyển về sống tại Làng trẻ em Birla Hà Nội (đường Doãn Kế Thiện, quận Cầu Giấy).
Nhận được sự quan tâm, chăm sóc ân cần của những người bố, người mẹ thứ hai cùng các anh, chị em đồng cảnh, Hạnh dần sống hòa nhập, tự tin, chăm chỉ học hành. “Thay vì mải chơi, tôi luôn nghĩ bản thân phải ngoan ngoãn, học tốt để xứng đáng với tình yêu thương của các bố, mẹ. Nhờ đó, trong những năm học phổ thông, tôi giành được nhiều giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi”, Hạnh nhớ lại.
Lớn lên trong môi trường ăm ắp tình yêu thương, hơn ai hết, Hạnh hiểu rõ “yêu thương là giá trị cốt lõi của cuộc sống”, nhất là với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bởi vậy, trong cuộc sống cũng như trong công việc, Hạnh đã lấy tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ làm thước đo, làm mục đích hướng tới. Suy nghĩ ấy thôi thúc cô gái trẻ thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Càng lớn, càng học lên cao, tiếp xúc với nhiều người, Hạnh càng mong muốn bản thân có thể trở thành “sứ giả” của một tổ chức hoạt động vì mục đích nhân đạo, từ thiện, để có thể góp phần bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Để hiện thực hóa ước mơ, Hạnh vừa học kiến thức chuyên ngành, vừa học ngoại ngữ và tìm kiếm mọi cơ hội. Đến năm 2009, Hạnh có được công việc “mơ ước bấy lâu” tại Tổ chức Pearl S.Buck International Vietnam (PSBIV), trực thuộc Tổ chức Pearl S.Buck International (PSBI) do nhà văn Mỹ Pearl S.Buck thành lập năm 1964, với mong muốn giúp đỡ những trẻ mồ côi thiệt thòi ở châu Á. Sau 7 năm đồng hành với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong vai trò là cán bộ dự án, Nguyễn Thị Hạnh trở thành Giám đốc của Tổ chức PSBIV tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Khao khát giúp trẻ hiểu giá trị cuộc sống
Trở thành “nhịp cầu” kết nối yêu thương, Nguyễn Thị Hạnh lặn lội sang Mỹ và nhiều nước khác để vận động gây quỹ và đưa các nhà tài trợ đến gần hơn với trẻ em cần được giúp đỡ ở Việt Nam. Không những thế, Hạnh còn tích cực quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, về thành phố Hà Nội văn minh, thân thiện, hòa bình, luôn sẵn sàng tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức khắp nơi đến làm việc, giao lưu, hợp tác.
Qua các chuyến đi ấy, những cách tiếp cận, việc làm sáng tạo, mang ý nghĩa nhân văn đã giúp chị đưa được nguồn tài trợ không nhỏ về cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam. Hiện nay, Tổ chức PSBIV đang hợp tác với nhiều đơn vị như Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội, Làng trẻ em Birla Hà Nội, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, Nhà nuôi trẻ Hữu nghị Đống Đa... để triển khai các chương trình hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Em Phạm Đình Đ., lớn lên tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, hiện là sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho hay: “Được thụ hưởng nhiều dự án hỗ trợ của Tổ chức PSBIV, chúng em hiểu rõ hơn trách nhiệm của bản thân. Cá nhân em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để có cuộc sống tốt”. Còn bà Trịnh Thanh Huyền, Giám đốc Làng trẻ em Birla Hà Nội chia sẻ: “Nguyễn Thị Hạnh là người con ưu tú của Làng. Hạnh như “cây xương rồng nở hoa”, dù hoàn cảnh khắc nghiệt, Hạnh vẫn luôn sống tốt, làm việc tốt cho cuộc đời”.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, điều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần nhất, đó là bản thân phải cảm nhận và hiểu rõ giá trị của cuộc sống. Vì lẽ đó, Hạnh đã xây dựng dự án “Bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ giáo dục và phát triển đời sống tâm sinh lý xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cơ sở bảo trợ trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, do Tổ chức Pearl S.Buck International (Mỹ) tài trợ”. Dự án này đang triển khai tại nhiều đơn vị.
Ngoài sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng, Nguyễn Thị Hạnh mong muốn những cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim để có giải pháp trợ giúp các em phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần vững vàng niềm tin vào bản thân, tương lai. “Không ai có quyền lựa chọn hoàn cảnh, nơi mình sinh ra, nhưng hoàn toàn có thể quyết định cuộc sống, tương lai của chính mình”, chị Hạnh nhắn nhủ.