Không có lực lượng giám sát nào toàn diện, sâu sắc bằng nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 09:06, 26/02/2020
Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.
Tham gia cuộc làm việc còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Huyền Mai; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ vui mừng khi đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, trong những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ mới tại thành phố Hà Nội, đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với tình hình nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội có 46 tổ chức thành viên, 5 hội đồng tư vấn; 30 ủy ban cấp huyện, 584 ủy ban cấp xã và 5.143 ban công tác mặt trận ở khu dân cư. Những năm qua, hoạt động Mặt trận Thủ đô có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, tổ chức, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Tiêu biểu là, MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng chú ý, 5 năm qua, toàn thành phố vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được 334,9 tỷ đồng, đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 9.167 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố hằng năm chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 6.326 đoàn giám sát, 3.501 hội nghị phản biện các tờ trình, dự thảo nghị quyết HĐND, quyết định, quy định của UBND các cấp trình tại kỳ họp HĐND thành phố.
Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 25.225 công trình, dự án, phát hiện sai phạm về các lĩnh vực đầu tư không đúng quy định, cung ứng vật tư, thực hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, kiến nghị thu hồi 257.524 m2 đất và 15,209 tỷ đồng.
Làm rõ thêm tình hình công tác MTTQ tại Hà Nội thời gian qua, các thành viên Ủy ban, Hội đồng tư vấn của MTTQ Việt Nam thành phố, đại diện nhân sĩ trí thức Thủ đô đã nêu ý kiến, kiến nghị tại buổi làm việc. Trong đó, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa, kinh tế, xã hội Phạm Lợi kiến nghị Thành ủy chú trọng chỉ đạo về cơ cấu cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy khóa mới nhằm tăng cường sự chỉ đạo đối với công tác Mặt trận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...
Tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trao đổi, giải đáp 11 kiến nghị, đề xuất được 6 đại biểu nêu trong phát biểu thảo luận. Đáng chú ý, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong những năm tới, chính quyền và Mặt trận các cấp cần rà soát chương trình phối hợp hành động, kịp thời cập nhật, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, nhất là trong bối cảnh năm 2020, Thủ đô có nhiều sự kiện quan trọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh đánh giá, với tinh thần chủ động, sáng tạo, những năm qua, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hoạt động kiểu mẫu của cả nước; đồng thời là đơn vị điển hình trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là tổ chức tốt Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Việc làm này được nhiều địa phương trên cả nước học tập, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của nhân dân, được Bộ Chính trị đánh giá cao.
Phải nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nhân dân
Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, cuộc làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố là dịp để cá nhân đồng chí và các đồng chí lãnh đạo thành phố nắm bắt kết quả công tác Mặt trận trong những năm qua và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020; lắng nghe, thấu hiểu sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển của thành phố.
Đồng chí Vương Đình Huệ hoan nghênh, trân trọng, đánh giá cao vai trò, vị trí và đóng góp to lớn của MTTQ, các tổ chức thành viên và đặc biệt là các tầng lớp nhân dân vào thành tích chung của Thủ đô, đất nước trong những năm qua.
Cho rằng hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố còn một số hạn chế; ngoài các giải pháp của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đề ra trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu MTTQ các cấp thực hiện tốt trong thời gian tới.
Trong đó, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ đạo, MTTQ từ thành phố xuống cơ sở nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh cao cả của mình trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước; thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vận động nhân dân Thủ đô thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo nên sự nhất trí về chính trị và đồng thuận trong nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước.
Chỉ đạo MTTQ các cấp thành phố cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cần lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm; tập trung phát hiện những vướng mắc để kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ.
“Chúng ta cần nhận thức rằng, không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội là để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội, phát huy tính tích cực chính trị - xã hội và tinh thần sáng tạo của nhân dân, doanh nghiệp”, đồng chí Vương Đình Huệ chỉ rõ.
MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cần phát huy vai trò giám sát của mình và của nhân dân, báo chí, công luận; xây dựng cơ chế khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời tích cực tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội một cách công khai, minh bạch.
Mặt trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin và phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng lưu ý MTTQ các cấp thành phố mở rộng, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp đoàn kết nhân dân; nắm chắc những vấn đề bức xúc trong nhân dân, phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết kịp thời những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở phải quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp hiệu quả với MTTQ Việt Nam các cấp thành phố nhằm xây dựng và phát huy có hiệu quả vai trò của tất cả các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức toàn thành phố phải nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nhân dân; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; lắng nghe nhân dân để điều chỉnh chính sách, củng cố tổ chức, điều chỉnh cho chính mình, dựa vào dân để triển khai các hoạt động, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Từ đó, mọi hành động, việc làm đều phải hướng tới vì lợi ích chính đáng của nhân dân, đúng như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ phải là công bộc của dân", “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Anh Tuấn khẳng định sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, nhất là 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đồng chí nhấn mạnh để đưa vào chương trình, kế hoạch công tác, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2020.