Thêm trân quý những "chiến sĩ" áo trắng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 27/02/2020
Hình ảnh về những người thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong những ngày qua khiến ai được chứng kiến cũng cảm thấy xúc động và cảm phục. Cùng với những y, bác sĩ trực tiếp làm công tác điều trị, cách ly người bệnh tại các bệnh viện, những người làm công tác vệ sinh khử khuẩn, điều tra dịch tễ, y tế dự phòng ở khu dân cư, cơ quan, trường học… đang hằng ngày, thầm lặng phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Điều ý nghĩa là sau thời gian xuất hiện dịch Covid-19, ai cũng trong tâm trạng lo lắng thì với sự vào cuộc của những người làm công tác y tế dự phòng đã góp phần quan trọng giúp người dân không còn hoang mang, lo lắng. Đặc biệt, từ những việc làm như khử khuẩn môi trường, thông tin tuyên truyền, khẩn trương khoanh vùng cách ly, dập dịch… đã giúp cộng đồng yên tâm, hiểu rõ hơn về dịch bệnh, chủ động các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Họ thực sự đã làm tốt phương châm: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh nên mỗi cán bộ y tế, trong hoàn cảnh nào cũng hướng về người bệnh, luôn dốc hết tâm sức, trí tuệ của mình cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Vì thế, giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mỗi thầy thuốc làm công tác y tế dự phòng dù được giao việc gì, ở đâu đều không ngừng nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả của mình.
Ở chiều ngược lại, bản thân mỗi y, bác sĩ làm nhiệm vụ luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh vì phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc tác nghiệp ở những nơi tiềm ẩn dịch bệnh, thì họ càng phải biết tự bảo vệ mình, đây cũng là cách bảo vệ người thân và cả cộng đồng.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “trận chiến” với Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Những người làm công tác y tế dự phòng - ở nơi tuyến đầu chống dịch, rất cần sự hợp lực của cả cộng đồng để đương đầu với “trận chiến” khó khăn này. Đặc biệt, họ rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của người dân bởi sự xuất hiện của những cán bộ y tế dự phòng ở mỗi nhà dân, mỗi khu dân cư không đồng nghĩa là nơi đó có dịch bệnh. Sự có mặt của họ là để mỗi người dân hiểu biết hơn về dịch bệnh, làm cho nơi sinh sống, làm việc, học tập an toàn hơn.
Cũng phải nói thêm rằng, trong khi những y, bác sĩ đang hằng ngày, hằng giờ đương đầu với phòng, chống dịch bệnh, được cộng đồng hỗ trợ, tiếp sức thì ở đâu đó vẫn có những người thầy thuốc phải đối mặt với tình cảnh bị một số người xung quanh dè chừng vì sợ lây nhiễm dịch. Việc này vô hình trung làm cho những y, bác sĩ không thể toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, mỗi người, vì cái chung, cần cộng đồng trách nhiệm với ngành Y tế bằng những việc làm thiết thực như tích cực hợp tác, ứng xử đúng mực, tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo.
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chúng ta càng thêm trân quý những y, bác sĩ, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Họ không coi công việc của mình là đặc biệt, mà chỉ nghĩ đơn giản là đang thực hiện nhiệm vụ được giao, tất cả vì sức khỏe của cộng đồng.