Quảng Nam: Vai trò cộng đồng trong phát triển du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 08:03, 28/02/2020

(HNMCT) - Quảng Nam được biết đến như một vùng đất lịch sử - văn hóa đậm bản sắc với những di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO ghi danh như đô thị cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hay khu đền tháp Mỹ Sơn... Cùng với đó là tiềm năng du lịch cộng đồng rất lớn nhờ sự tham gia giữ gìn di sản của người dân. Tất cả những điều ấy đã tạo cho Quảng Nam sức quyến rũ và là lợi thế về du lịch khó có nơi nào sánh được.

Đô thị cổ Hội An - nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị di sản văn hóa và thu hút khách du lịch.

Vùng đất của di sản

Quảng Nam hiện có 307 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng cùng các làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa dân gian đã tồn tại trên 500 năm. Bên cạnh dân tộc Kinh, trên địa bàn Quảng Nam còn có nhiều dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Co, Xơ Đăng, Giẻ Triêng... sinh sống, tạo nên sự đa dạng văn hóa cho vùng đất này. Quảng Nam còn là nơi hình thành nền văn hóa Sa Huỳnh từ rất sớm, được tìm thấy qua nhiều di chỉ khảo cổ học như Bàu Dũ, Bàu Trám, Quế Phước, Đại Lãnh, Thạnh Mỹ... với niên đại khoảng 6.000 - 8.000 năm.

Đặc biệt, các di tích như khu đền tháp Mỹ Sơn, tháp Bàng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ đã phản ánh sự phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật Champa từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XIV. Cùng với đó là sự giao thoa, tiếp biến và hội tụ của các nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Đại Việt, Nhật Bản và phương Tây, mà biểu hiện nổi bật là đô thị cổ Hội An - thương cảng phồn thịnh nhất Đàng Trong từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Nhiều năm qua, khi đến Quảng Nam, điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong và ngoài nước luôn là đô thị cổ Hội An. Bà Karina Kreutzer, du khách Australia cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi trở lại Hội An. Với riêng tôi, nơi này có sức cuốn hút đặc biệt. Tôi thích phong cảnh với dòng sông Thu Bồn thơ mộng cùng các di tích, công trình kiến trúc mang dấu ấn của một đô thị cổ mà chỉ Hội An mới có. Bên cạnh đó, tôi thích tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân, mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa...”.

Riêng năm 2019, đô thị cổ Hội An đã được các tạp chí uy tín trên thế giới vinh danh như: Là một trong 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới do Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) bình chọn; đứng đầu danh sách 14 thành phố đẹp nhất châu Á theo bình chọn của trang CNN (Mỹ); được trang web nổi tiếng thế giới Google vinh danh qua biểu tượng Google Doodle...

Đến với khu đền tháp Mỹ Sơn, nơi được mệnh danh là “bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật của nhân loại”, du khách sẽ được tận mắt ngắm nhìn 70 công trình kiến trúc đền tháp tiêu biểu cho nền văn minh Champa, trong đó có khoảng 20 công trình đã và đang được tỉnh Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị thông qua việc phát triển du lịch. Khu đền tháp Mỹ Sơn được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như quần thể đền đài Angkor Wat (Campuchia), thánh địa Bagan (Myanmar) hay đền Borobudur (Indonesia)...  

Gìn giữ giá trị cốt lõi

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua du lịch Quảng Nam đã có bước tiến vượt bậc bằng việc phát huy giá trị di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch. Nhờ các “hạt nhân” là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, lượng khách du lịch đến với Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020 luôn đạt mức tăng trưởng bình quân 16%/ năm, thu nhập từ du lịch tăng bình quân 21%/ năm. Riêng năm 2019, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 7,6 triệu lượt, tăng 17,6% so với năm 2018; khách quốc tế đạt 4,6 triệu lượt, tăng 20,5% so với năm 2018.

Để có được những kết quả nói trên, bên cạnh chiến lược, chính sách phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam, không thể không nhắc tới vai trò của cộng đồng trong việc tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: Mỹ Sơn đã áp dụng mô hình bảo tồn dựa trên sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với di sản. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhiều chương trình đã được triển khai hiệu quả như: Đưa giáo dục di sản vào học đường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn văn hóa, bảo vệ di sản; hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình kinh tế... Ở Mỹ Sơn, cộng đồng địa phương được trực tiếp hưởng lợi qua việc triển khai các dự án bảo tồn di tích như: Dự án trùng tu di sản, chương trình đào tạo nghề liên quan tới công việc trùng tu di sản nhằm giải quyết việc làm cho người dân trong vùng.

Trong khi đó, Hội An được coi là một trong những địa phương thành công nhất ở Việt Nam trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân gắn với phát triển du lịch. Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An Nguyễn Chí Trung chia sẻ: “Hai mươi năm qua, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn di sản kết hợp với phát triển du lịch ở Hội An đã đạt được nhiều thành quả. Đô thị cổ Hội An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn về cảnh quan, không gian kiến trúc và là nơi người dân sống, sinh hoạt với những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa mang tính bản địa. Đó là giá trị cốt lõi mà cộng đồng cư dân Hội An vẫn bảo nhau giữ gìn nhằm mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn”.

Quảng Nam sẽ khai thác các yếu tố văn hóa đặc trưng của địa phương để tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có sức cạnh tranh cao - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng khẳng định. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng đến việc định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch dựa trên những giá trị nổi bật về di sản, văn hóa truyền thống, lối sống địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích để phát triển du lịch theo hướng bền vững, dựa vào cộng đồng, có trách nhiệm... Đó cũng là định hướng để Quảng Nam trở thành một địa điểm nghỉ dưỡng, một địa bàn nghiên cứu và trải nghiệm văn hóa giàu bản sắc trong tương lai.

Trung Nguyên