Chia sẻ khó khăn với người lao động
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 29/02/2020
Công nhân chật vật vì dịch Covid-19
Những ngày này, tại các khu trọ trên địa bàn thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), quận 9 và quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) - nơi có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động, nhiều hộ gia đình công nhân phải cắt cử chồng hoặc vợ nghỉ việc để ở nhà trông giữ con.
Chị Nguyễn Thị Hương (quê Nghệ An), làm việc tại Công ty TNHH Thương mại Bình Phong Phú (quận 9) cho biết, từ ngày các con nghỉ học tránh dịch Covid-19, chị phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con, còn chồng thì làm việc tăng ca liên tục... "Đồng lương của hai vợ chồng ít ỏi, phải chi tiêu dè xẻn mới đủ lo liệu cho sinh hoạt hằng ngày. Không có tiền thuê người giúp việc nên tôi phải nghỉ việc ở nhà. Tôi mong sao dịch bệnh này mau kết thúc để con cái được đến trường đi học bình thường”, chị Hương nói.
Giống như gia đình chị Nguyễn Thị Hương, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, gia đình chị Nguyễn Thị Linh (công nhân Công ty TNHH Freetrend Industrial A, Khu chế xuất Linh Trung 2, quận Thủ Đức) lại càng thêm khó khăn. Chị Linh cho biết: "Ngay sau khi nhà trường cho các con nghỉ học để tránh dịch Covid-19, vợ chồng tôi bàn bạc mãi mà không biết sẽ gửi con ở đâu. Thuê người giúp việc thì không có tiền, mà nghỉ việc ở nhà trông con thì không đủ tiền trang trải cuộc sống. May nhà kế bên có cụ bà nhận trông giúp. Buổi trưa, tôi chạy về cho các cháu ăn uống rồi trở lại công ty làm việc. Tuy cực chút nhưng không còn cách nào khác…".
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hoan (quê Bình Định), làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (tỉnh Đồng Nai), lại phải đối mặt với những khó khăn khác. “Công ty vừa thông báo cắt giảm người lao động do các đơn hàng da giày từ đầu năm đến nay chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái…”, anh Hoan cho biết.
Đồng hành cùng người lao động
Để cuộc sống của người lao động không bị xáo trộn, Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty cổ phần In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, người lao động có con nhỏ được ưu tiên “đi trễ về sớm” 1 giờ đồng hồ.
Ngoài ra, để nâng cao sức khỏe cho người lao động, công ty đã quyết định nâng suất bữa ăn giữa ca lên 34.000 đồng/ngày. Song song đó, công ty cung cấp khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn và ký hợp đồng với Phòng khám Đa khoa Tân Tạo để tổ chức tư vấn phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Đồng hành, chia sẻ với người lao động, ngoài bố trí cho người lao động nghỉ phép luân phiên để tiện việc chăm sóc con, Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình (quận 3) còn vận động tập thể lao động "chia lửa", gánh phần công việc cho đồng nghiệp. Mặt khác, công ty còn hỗ trợ 1 triệu đồng cho lao động nữ khối gián tiếp có con trong độ tuổi từ tiểu học trở xuống.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Dệt may Phú Hòa An (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam), Ban Giám đốc cùng Công đoàn Công ty đã chủ động, kịp thời phối hợp, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động. Ngoài việc phát khẩu trang kháng khuẩn, công ty còn hỗ trợ tiền gửi trẻ cho con em người lao động trong tuần đầu tiên nghỉ học với mức hỗ trợ 50.000 đồng/bé/ngày.
Tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh), hơn 10.000 lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán đã được phát khẩu trang y tế (6 chiếc/người) để phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh đó, Công ty còn trang bị các máy đo thân nhiệt và các chai nước sát khuẩn tại các bồn rửa tay để công nhân sử dụng. Công đoàn công ty cũng đang liên hệ với các đơn vị y tế phun thuốc sát trùng trong khuôn viên công ty và đặt mua thêm khẩu trang để phát cho người lao động.
"Chúng tôi đang vận động công nhân cố gắng sắp xếp ổn thỏa việc gia đình để sớm trở lại làm việc, đồng thời, bàn bạc cùng lãnh đạo công ty để tìm giải pháp hỗ trợ, với tinh thần bảo đảm sức khỏe cũng như đời sống của người lao động", ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho cho biết.
Còn tại Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Khu công nghiệp Đông Nam, thành phố Hồ Chí Minh), bà Đặng Thị Lệ Quyên, Chủ tịch Công đoàn công ty thông tin, Công đoàn phối hợp cùng doanh nghiệp hỗ trợ người lao động 50.000 đồng/người/tháng mua khẩu trang; hỗ trợ nữ công nhân có con nhỏ dưới 6 tuổi mức 100.000 đồng/người; tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép để đưa con về quê do nghỉ học vì dịch bệnh.
Là địa bàn có đông công nhân, ông Nguyễn Đình Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Liên đoàn Lao động quận luôn theo dõi sát hoạt động của các doanh nghiệp, làm cầu nối phản ánh kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp với cấp thẩm quyền; đồng thời trao đổi với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn để có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người lao động vơi bớt khó khăn cả về vật chất, lẫn tinh thần, để người lao động yên tâm gắn bó với công việc.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 tác động rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là các gia đình công nhân ngoại tỉnh. Do đó, các cấp công đoàn đã chủ động bàn bạc kỹ và tìm ra nhiều giải pháp thiết thực với đơn vị sử dụng lao động, từ việc linh hoạt bố trí nghỉ phép năm, đến đề xuất nâng suất ăn giữa ca và hỗ trợ tiền trông trẻ cho người lao động.
Về phía tỉnh Bình Dương, bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thông tin, các cấp công đoàn cũng có nhiều hoạt động tương tự, đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động để cùng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.