Thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao: Chủ động tìm cách ứng phó
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 29/02/2020
Khắc phục tình trạng này, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động tìm biện pháp giải quyết; còn các cơ quan chức năng đã và đang có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn...
Những khó khăn nhất định
Những ngày này, công trường xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải), dịch Covid-19 đã, đang gây khó khăn nhất định đến tiến độ dự án. Cụ thể, Tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) là Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng (Viện Nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh) có khoảng 80 nhân lực tham gia dự án, đã về Trung Quốc nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhưng đến nay chưa thể trở lại Việt Nam làm việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Chủ đầu tư hằng ngày vẫn phải liên lạc, trao đổi với các chuyên gia, kỹ sư Trung Quốc thông qua hình thức trực tuyến, song không thể hiệu quả như cách thức làm việc trực tiếp tại hiện trường”, ông Nguyễn Khánh Tùng cho biết.
Tương tự, tại dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng có khoảng 10 chuyên gia Trung Quốc vận hành và kiểm tra một số thiết bị do nhà thầu Trung Quốc lắp đặt. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, những chuyên gia này về Trung Quốc và do dịch Covid-19 nên chưa thể quay lại. Theo bà Phạm Phương Thảo, cán bộ Văn phòng Tổng công ty Phát điện 1, việc vắng mặt chuyên gia có thể gây ra những khó khăn nhất định. Thực tế, các thiết bị vẫn đang hoạt động bình thường, nhưng nếu cần hiệu chỉnh hay phát sinh sự cố phải có mặt các chuyên gia Trung Quốc.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, ngoài hai đơn vị trên, hiện có khá nhiều đơn vị, doanh nghiệp thiếu lao động tay nghề cao do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng này chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: "Qua kiểm tra thực tế, Sở ghi nhận, đa số doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhưng, nếu dịch kéo dài, chuyên gia, lao động tay nghề cao nước ngoài chưa sang kịp thì đối với những dự án quan trọng sẽ bị ảnh hưởng lớn".
Cần chủ động vượt khó
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tay nghề cao, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã chủ động đưa ra những biện pháp vượt khó. Đơn cử như tại Công ty TNHH Chế tạo động cơ Zongshen Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh), bà Nguyễn Thị Hải Nga, phụ trách công tác hành chính - nhân sự cho biết, đơn vị có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc, có 9 chuyên gia là người Trung Quốc về nước đón Tết và đến nay chưa trở lại Việt Nam, nhưng mọi hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. Để bù đắp sự thiếu hụt về lao động chất lượng cao, công ty đã làm việc trực tuyến qua mạng với các chuyên gia Trung Quốc, đồng thời bố trí lao động là người Việt Nam thay thế.
Về phía các cơ quan chức năng, nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tay nghề cao, theo ông Nguyễn Hồng Dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nắm bắt nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao của doanh nghiệp, qua đó kết nối doanh nghiệp với người lao động khi cần thiết.
Còn ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho hay: "Chúng tôi thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp. Nếu có biến động về nhân sự thì chúng tôi sẽ phản ánh tình hình đến các cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời".
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản pháp lý cho việc quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan xây dựng các kịch bản quản lý, điều hành trong trường hợp dịch bùng phát tại Việt Nam.
"Nội dung các kịch bản đặc biệt lưu ý đến việc dự báo thị trường lao động; dự báo khả năng thiếu hụt lao động và dịch chuyển lao động trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa, hoặc thu hẹp sản xuất do chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu ngừng hoạt động (các doanh nghiệp gia công cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu phụ thuộc vào các nước có dịch Covid-19)", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết.
Đối với việc tiếp nhận lao động là người nước ngoài quay trở lại Việt Nam làm việc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng phương án tiếp nhận có chọn lọc đối với một số chuyên gia, lao động tại một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của công việc. Tất cả các trường hợp lao động quay trở lại làm việc đều phải tuân thủ quy định của ngành Y tế.
Theo cập nhật của 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 20-2, có 34.423 lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Trong đó, tổng số lao động Trung Quốc về nước ăn Tết là 26.904 người và có 7.779 người đã quay trở lại Việt Nam sau dịp Tết.