Thực hiện tốt công tác cách ly mới chống dịch hiệu quả!
Đời sống - Ngày đăng : 23:07, 29/02/2020
Cách ly - biện pháp tối ưu trong phòng dịch
Người phụ nữ 61 tuổi sống tại Daegu - bệnh nhân thứ 31 dương tính với Covid-19 ở Hàn Quốc được biết đến là bệnh nhân “siêu lây nhiễm”. Vì cho mình là người hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân này từng trốn viện, từ chối làm xét nghiệm. Kết quả, người này đã lây bệnh cho ít nhất 38 người sau khi đi nhà thờ, tiếp xúc với hơn 100 tín đồ khác tại đây. Chính hành động thiếu suy nghĩ, vô trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng dịch Covid-19 tại Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng.
Thực tế tại Hàn Quốc cho thấy, nếu không giám sát tốt, cách ly tốt thì khó có thể khống chế bệnh dịch hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhận định, bệnh dịch hình thành trên 3 yếu tố: Nguồn truyền bệnh (tức là người mang mầm bệnh), đường lây truyền (như Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp) và khối cảm thụ (người lành nếu không cẩn thận có khả năng mắc bệnh).
“Để cắt đứt dịch bệnh, việc cắt đứt nguồn truyền bệnh là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, chỉ có biện pháp tối ưu là cách ly”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do Covid-19 và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó, cách ly là biện pháp duy nhất nhằm tránh phát tán bệnh ra cộng đồng, giảm nỗi lo và các gánh nặng khác cho xã hội.
Trước thực tế trên, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện rất kiên quyết vấn đề giám sát và cách ly. Đây là giải pháp đúng đắn và chúng ta đã thu được kết quả. Kể từ ca nhiễm Covid-19 thứ 16 vào ngày 13-2 đến nay, chúng ta chưa ghi nhận thêm ca mắc mới.
Trở lại tình hình dịch Covid-19 tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cách đây hơn 2 tuần, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế “cắm chốt” tại “tâm dịch” Vĩnh Phúc cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn, từ một ca nhiễm Covid-19 trở về từ thành phố Vũ Hán đã lây cho 6 trường hợp khác. Thời điểm đó, đặt ra vấn đề uy hiếp rất lớn là sự lây lan dịch từ địa phương này ra các địa phương khác trên cả nước. Bởi, sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp, không kiểm soát được.
“Việc thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là quyết định đúng đắn. Mục đích của việc cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để, không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài. Đây là một quyết định rất kịp thời và rất trách nhiệm với cả nước”, PGS.TS Trần Như Dương nhấn mạnh.
Bảo đảm điều kiện cách ly tốt nhất
Trước những lo ngại về nguy cơ lây nhiễm chéo xảy ra tại các khu vực cách ly, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, không riêng với Covid-19, mà về nguyên tắc cơ bản, việc cách ly phải bảo đảm không để xảy ra lây chéo bất kỳ một bệnh truyền nhiễm nào khác. Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công tác này với sự phối hợp đồng bộ của lực lượng y tế, quân đội và công an.
Trong quyết định hướng dẫn về cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở tập trung và cách ly tại nhà, Bộ Y tế cũng đã quy định về việc cơ sở cách ly cần tạo tâm lý thoải mái cho người được cách ly để họ yên tâm, tuân thủ việc cách ly. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thúy Phương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chia sẻ: "Để người cách ly được thoải mái, khi họ có yêu cầu gì, chúng tôi đều giúp đỡ. Chẳng hạn, có người thích ăn quà vặt, chúng tôi cũng cố gắng cử người đi mua. Có người ban đêm hỏng dây sạc điện thoại, chúng tôi lập tức tìm xem có dây sạc phù hợp đưa cho họ. Thậm chí, có một người nước ngoài cách ly tại bệnh viện, họ có thói quen uống cà phê cappuccino trước khi đi ngủ và khi họ yêu cầu - dù lúc đó đã rất khuya, chúng tôi cũng cố mua bằng được…".
Không thực hiện biện pháp cách ly, người đầu tiên chịu rủi ro chính là bản thân khi không được theo dõi, giám sát, chăm sóc y tế ngay từ đầu. Không cách ly thì chính gia đình, người thân xung quanh là người dễ bị nhiễm bệnh nhất. Không cách ly sẽ khiến vi rút lây lan, ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống dịch của toàn xã hội. Và điều quan trọng nhất là: Sự tuân thủ, thái độ hợp tác của người thuộc diện cách ly chính là quyền lợi của bản thân và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Theo quy định của pháp luật, hành vi trốn tránh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Cụ thể, Điều 10, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ: Người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng.