Nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:07, 29/02/2020

(HNM) - Hiện nay có đến 90% hàng nông sản bán trên thị trường được cung cấp qua các chợ đầu mối, sau đó bán lẻ tại chợ dân sinh. Vì vậy, để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán tại các chợ đầu mối. Qua đó nhắc nhở, tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, cam kết kinh doanh hàng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng.

Các hộ kinh doanh ở chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội còn chưa ghi đầy đủ nguồn gốc mặt hàng nông sản. Ảnh: Mạnh Hà

Còn nhiều khó khăn

Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra thực tế tại một số chợ đầu mối nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, nhìn chung các hộ chưa ghi chép đầy đủ nguồn gốc nông sản nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Theo ông Đỗ Anh Tuấn, bán rau, củ, quả ở chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), mỗi ngày ông bán khoảng 4 tấn rau, củ, quả và đều lấy ở các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên… Tuy nhiên, cửa hàng của ông cũng chỉ ghi số lượng hàng hóa nhập chứ chưa yêu cầu đơn vị cung cấp nguồn gốc mặt hàng nông sản. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Liên, bán rau ở Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), trung bình mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 4 tạ rau, được lấy từ các huyện của Hà Nội và một số tỉnh như: Lạng Sơn, Sơn La, Hải Dương… Mặc dù cửa hàng cũng ghi ngày, tháng nhập hàng hóa, nhưng chưa ghi rõ từng chủng loại rau có nguồn gốc xuất xứ ở địa phương nào…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết, qua kiểm tra các chợ đầu mối cho thấy, tại khu vực kinh doanh rau, củ, quả, hầu hết hộ kinh doanh không có giá, kệ; còn hiện tượng sản phẩm rau, củ, quả bày trên bao bì, bạt ni lông hoặc bày trực tiếp tại nền chợ. Ở khu vực kinh doanh thủy sản, một số hộ thực hiện việc sơ chế thủy sản tươi sống trên nền chợ - chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Cùng với đó, vẫn còn tình trạng một số xe hàng, hộ kinh doanh bày bán hàng hóa tại khu vực lối đi trước cổng chợ; khu vực sơ chế, kinh doanh đã xuống cấp, một số gian hàng có mái che tạm bợ đã bị dột; hệ thống thoát nước chưa tốt, nền chợ vẫn còn tình trạng đọng nước, vệ sinh chưa bảo đảm. Qua kiểm tra nguồn gốc tại các hộ kinh doanh, hầu hết các hộ đã có ý thức trong kinh doanh các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sổ theo dõi xuất nhập hàng hóa; tuy nhiên, việc ghi chép không đầy đủ, gây khó khăn cho các ngành chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc”, ông Ngô Đình Loát thông tin.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối nông sản, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô cho biết, Ban Quản lý chợ tiếp tục tổ chức cho 100% hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo mẫu đã được quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31-10-2018 quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT; đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn gốc các mặt hàng nông sản của các chủ hộ kinh doanh đưa về chợ tiêu thụ.

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, chợ đầu mối nông sản là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển. Vì vậy, để chợ đầu mối thực sự phát huy hiệu quả, ngành NN&PTNT tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ và áp dụng phương thức truy xuất hàng hóa kinh doanh tại chợ đầu mối. Ban Quản lý chợ định cần kỳ đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, các hạng mục phục vụ hoạt động kinh doanh tại các khu vực xuống cấp; thực hiện việc kiểm nghiệm nước cung cấp cho những hộ kinh doanh, phục vụ sơ chế thực phẩm, vệ sinh dụng cụ.

Bên cạnh đó, các chợ cần yêu cầu các hộ kinh doanh thực hiện tốt các quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ (đặc biệt là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, phòng, chống dịch bệnh, các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm); hướng dẫn các hộ kinh doanh tại chợ thực hiện đầy đủ việc ghi chép mua bán, theo dõi nguồn gốc, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về lâu dài, xây dựng chợ đầu mối cần tiến hành từng bước, chậm nhưng chắc; xây dựng được chuỗi liên kết từ các địa phương, từ vùng nguyên liệu đến các trung tâm, siêu thị, chợ đầu mối để cung cấp và lan tỏa toàn thành phố, bảo đảm an toàn thực phẩm cùng lợi nhuận của người kinh doanh và người sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản cấp 1: Chợ đầu mối nông sản Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai). Bên cạnh đó, còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình); chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai); chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín); chợ đêm nông sản Văn Quán (quận Hà Đông)...

Ngọc Quỳnh