Du lịch Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch Covid-19: Biến thách thức thành cơ hội phát triển
Du lịch - Ngày đăng : 06:27, 01/03/2020
Kích cầu với tiêu chí “du lịch an toàn”
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại cơ sở lưu trú giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách tới các điểm đến quan trọng như Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… giảm khoảng 20%-50%. Dự kiến, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3-2020 giảm hơn 60%, số khách du lịch nội địa giảm đến 80%. Bởi thế, nhiệm vụ trước mắt của ngành Du lịch là tìm giải pháp kích cầu để khắc phục đà suy giảm này.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, Việt Nam đang tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả. Các điểm đến vẫn bảo đảm an toàn, tạo sự yên tâm cho du khách, đó là cơ sở để ngành Du lịch xây dựng chiến lược kích cầu phù hợp. Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, muốn kích cầu du lịch hiệu quả thì phải để du khách thấy được Việt Nam là điểm đến thú vị, an toàn. Vì thế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng Bộ tiêu chí “Du lịch an toàn”, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phòng, chống dịch và bảo vệ du khách.
Thực tế, thời gian qua một số tỉnh, thành phố như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh… chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã nỗ lực thực hiện giám sát, cách ly người đến từ vùng dịch, đồng thời phát khẩu trang miễn phí, cung cấp dung dịch sát khuẩn tay, đo thân nhiệt cho khách khi ra, vào khách sạn. Ngành Du lịch có thư ngỏ bằng 6 thứ tiếng gửi các đối tác nước ngoài để thông báo kịp thời tình hình dịch cũng như biện pháp phòng, chống dịch mang tính chủ động, hiệu quả của Việt Nam.
Tại Hà Nội, công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu khi tất cả cơ sở lưu trú, điểm đến được yêu cầu thường xuyên phun khử khuẩn, bảo đảm các tiêu chí “du lịch an toàn”. Nhờ đó, Thủ đô được nhiều du khách quốc tế đánh giá là điểm đến an toàn, bình yên và thân thiện. Điều này thể hiện ở lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong tháng 2-2020 tăng nhẹ từ một số thị trường khách châu Âu. Chị Sofia Vergara cùng đoàn khách Canada lưu trú tại Hà Nội ngày 26-2 chia sẻ: “Chúng tôi được chăm sóc rất chu đáo. Hà Nội chưa có ca bệnh nào và đang thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên chúng tôi rất yên tâm”.
Đánh giá về biện pháp kích cầu du lịch ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, khác với những đợt kích cầu trước luôn ưu tiên vấn đề giảm giá, lần này yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Đó là biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Hướng đi mới dần hé mở
Khi lượng khách quốc tế có xu hướng giảm mạnh, thì thị trường nội địa cần được chú ý đặc biệt. Theo Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoi Redtours Nguyễn Công Hoan, nhu cầu du lịch của khách trong nước vẫn rất lớn, đây chính là tiềm năng mà các đơn vị kinh doanh du lịch cần lưu ý.
Xu hướng nói trên thể hiện rõ khi các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cùng “bắt tay” xây dựng chương trình kích cầu bài bản, phù hợp với từng thời điểm. Liên minh kích cầu du lịch đã được thành lập giữa tháng 2-2020 với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, trong đó những đơn vị có tiếng như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietnam Airlines, Bamboo Airways... Trước mắt, Liên minh kích cầu du lịch xây dựng những tour, tuyến du lịch với mức giảm giá hấp dẫn từ 30 đến 50% tại những địa phương an toàn về dịch bệnh như Bình Ðịnh, Phú Yên, Ðắk Lắk, Gia Lai, sau đó sẽ tiếp tục với những tỉnh, thành phố khác.
Tham gia chiến dịch kích cầu lớn của ngành Du lịch, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện chương trình kích cầu nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn”, được triển khai từ tháng 3 đến tháng 8-2020; chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020 với thông điệp “Vietnam NOW”, ưu tiên các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga và châu Âu. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình kích cầu “Chào mặt trời” với mức giá giảm tới 50% cho những nhóm khách khởi hành từ ngày 1-3 đến 31-5 với điểm đến thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Côn Đảo, Phú Quốc...
Không chỉ vậy, nhiều công ty lữ hành xây dựng chương trình riêng hướng đến thị trường nội địa. Công ty Du lịch AZA Travel “tung” ra các gói giảm giá tới 70% đến Phú Quốc, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Ðà Lạt... Công ty Du lịch Vietrantour giới thiệu nhiều tour đến miền Trung, Tây Nguyên đồng giá 4,49 triệu đồng cho 4 ngày, 3 đêm…
Sở Du lịch Hà Nội cũng đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu thị trường, tập trung nhiều cho thị trường nội địa. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội tiếp tục phát huy lợi thế về du lịch di sản, sinh thái, sự phong phú của các làng nghề để xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới, rõ tính kết nối hơn, nhằm thu hút du khách trong thời gian tới.
Thời điểm này, ngành Du lịch Việt Nam đã xây dựng 3 kịch bản dự báo diễn biến dịch, mỗi thời điểm sẽ có kế hoạch riêng để ổn định thị trường. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, trước thách thức của dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam cần bình tĩnh ứng phó, coi đây là thời cơ để toàn ngành tái cơ cấu, thúc đẩy phát triển thị trường tiềm năng bù đắp cho lượng khách truyền thống bị hao hụt. Các đơn vị có dịp nhìn lại sự phát triển, hướng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị; tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam một cách bài bản, trong đó nhấn mạnh Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước.