Grab với tham vọng “siêu ứng dụng”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:18, 01/03/2020
Trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu này, Grab đã đạt được những thỏa thuận quan trọng với Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) và Hãng dịch vụ công nghệ thông tin TIS Inc về hai khoản đầu tư trị giá lần lượt là 706 triệu USD và 150 triệu USD.
Đổi lại khoản rót vốn lớn, MUFG sẽ nhận được sự hợp tác từ Grab trong việc phát triển một ứng dụng cung cấp cho khách hàng nhiều dịch vụ hằng ngày. Tập đoàn tài chính Nhật Bản sẽ giám sát các khoản vay cá nhân và bảo hiểm thông qua ứng dụng này, trong khi Grab sẽ phân tích thị hiếu người dùng từ dữ liệu của mình. Dựa trên những dữ liệu đó, MUFG và Grab sẽ đề xuất các khoản vay hoặc bảo hiểm phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể.
Về các sản phẩm tài chính như cho vay, Grab cần có năng lực thu nợ và nhận diện đối tượng khách hàng có khả năng trả nợ. Để giải quyết vấn đề này, MUFG sẽ hỗ trợ Grab về chuyên môn và giúp đàm phán phê duyệt quy định với các cơ quan tài chính ở nhiều nước châu Á. Đối với khoản đầu tư từ TIS Inc, Grab và hãng công nghệ Nhật Bản sẽ hợp tác trong kế hoạch phát triển các phương thức thanh toán kỹ thuật số tại khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản, qua đó hướng đến mục tiêu thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Grab được thành lập vào tháng 6-2012 với trụ sở chính đặt ở Singapore. Bắt đầu hoạt động tại Malaysia cùng năm, Grab sau đó phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu di chuyển lớn của người dùng tại các quốc gia Đông Nam Á. Sau gần 8 năm, Grab hiện có mặt tại 8 quốc gia Đông Nam Á gồm: Singapore, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Philippines, với hơn 170 triệu người dùng dựa trên tổng số lượt tải ứng dụng. Sự “bùng nổ” của Grab là yếu tố chủ chốt giúp dịch vụ này thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều công ty và tập đoàn hàng đầu thế giới.
Trong năm 2018, Grab nhận được khoản đầu tư 3 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD đến từ Hãng ô tô danh tiếng Toyota của Nhật Bản. Tháng 3-2019, Grab tiếp tục được Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank cũng của Nhật Bản rót khoản vốn trị giá lên đến 1,46 tỷ USD. Nhờ những màn rót vốn “khổng lồ” đến từ các nhà đầu tư lớn, Grab được định giá 14 tỷ USD, qua đó trở thành một trong những dự án khởi nghiệp giá trị nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm này.
Có thể thấy, Grab hiện vẫn là công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng đầu Đông Nam Á, đặc biệt sau thương vụ thâu tóm Uber, đối thủ cạnh tranh lớn của Grab tại khu vực này, hồi năm 2018. Với kế hoạch hướng tới mục tiêu kinh doanh dài hạn và đáp ứng thị hiếu ngày một đa dạng của khách hàng, Grab đang đứng trước ngưỡng cửa đạt được tham vọng trở thành “siêu ứng dụng” tại Đông Nam Á nhờ những khoản đầu tư lớn nhưng vẫn bảo đảm được tính bảo mật về thông tin của người dùng.