Bài cuối: Không chủ quan, tránh làm thay
Chính trị - Ngày đăng : 07:05, 01/03/2020
Bảo đảm thực chất
Ngày 27-2, Đại hội Đảng bộ xã Trung Châu nhiệm kỳ 2020-2025 (đại hội điểm khối xã, thị trấn của Đảng bộ huyện Đan Phượng) bế mạc, hoàn thành tất cả các nội dung đề ra.
Để có được kết quả trên, theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Gia Hiển, Ban Thường vụ Huyện ủy và trực tiếp là Ban Tổ chức, Tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn đã theo sát từng bước, từng khâu chuẩn bị. Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Khanh, phụ trách chỉ đạo đại hội Đảng bộ xã Trung Châu thông tin: "Khi được lựa chọn là đại hội điểm, lãnh đạo cấp ủy xã Trung Châu cũng rất lúng túng, nhất là khâu chuẩn bị văn kiện và xác minh hồ sơ nhân sự. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn tận tình, sát sao của Huyện ủy, công tác chuẩn bị của Đảng ủy xã diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch đề ra...".
Sự lúng túng của lãnh đạo cấp ủy cơ sở trong quá trình chuẩn bị đại hội không phải là cá biệt. Kết quả kiểm tra ở các cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội cho thấy, có không ít biểu hiện “viết hộ, làm thay” văn kiện đại hội điểm cho cấp dưới. Tại quận Ba Đình, nội dung được Ban Thường vụ Quận ủy rút kinh nghiệm sau khi tổ chức hai đại hội điểm là các đảng bộ cơ sở học tập cách tổ chức đại hội, có thể mượn văn bản để nghiên cứu, nhưng tuyệt đối không được sao chép.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chỉ rõ, văn kiện đại hội, nhất là đại hội điểm phải bảo đảm thực chất, phải cho cán bộ, nhân dân thấy, đại hội thành công không chỉ bầu ra nhân sự có uy tín mà còn đề ra được chủ trương, đường lối giải quyết những việc dân cần, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Có như vậy mới tạo sự hứng khởi và niềm tin trong nhân dân.
Thực vậy, đối với Đại hội Đảng bộ phường Đại Kim nhiệm kỳ 2020-2025, đại hội điểm khối phường của Đảng bộ quận Hoàng Mai, một trong những thành công quan trọng là thống nhất cao về phương hướng, mục tiêu với 11 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới. Chăm chú theo dõi thông tin về kết quả đại hội, ông Nguyễn Kim Bằng (phố Đền Lừ, phường Đại Kim) cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đại hội quyết tâm phấn đấu trên địa bàn sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố”.
Rà soát kỹ, tránh chủ quan
Một vấn đề được các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và 16 đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thường xuyên nhắc nhở khi kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội là phải liên tục rà soát, đánh giá và chỉ ra được những vấn đề ảnh hưởng đến đại hội, trước hết là đại hội điểm; từ đó làm rõ tất cả những nơi có biểu hiện mất đoàn kết, khó khăn về nhân sự để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
Trên thực tế, hầu như ở đảng bộ cấp trên cơ sở nào cũng tồn tại những địa chỉ có khó khăn, cần tập trung chỉ đạo. Tại Đảng bộ huyện Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Văn Thìn cho biết, từ kinh nghiệm tổ chức đại hội điểm, Huyện ủy thường xuyên cho rà soát, kết quả bước đầu cho thấy có 4 xã còn khó khăn, cần quan tâm chỉ đạo.
Tại Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, hiện cũng có 4 đơn vị đang vướng mắc về nhân sự trước khi tổ chức đại hội. Tính chung trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội, vẫn còn ít nhất trên 33 Đảng bộ cơ sở cần được củng cố. Chưa kể tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp vẫn còn và không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến việc tổ chức đại hội.
Là đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội lựa chọn để tổ chức đại hội điểm khối huyện, Huyện ủy Gia Lâm ý thức rất rõ vấn đề nêu trên. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Gia Lâm Ðinh Tất Thắng cho biết, dù chưa có đơn thư về nhân sự các cấp từ xã đến huyện, nhưng Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên lắng nghe tâm tư của cán bộ, đảng viên, nhân dân từ cơ sở để không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Ðối với một số xã cần phải củng cố bộ máy lãnh đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã sớm điều chuyển các chức danh chủ chốt, đồng thời lên phương án nhân sự kỹ lưỡng, bảo đảm cho sự thành công của đại hội cấp cơ sở.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, các phương án nhân sự đại hội phải được tính kỹ, có phương án cụ thể tránh xảy ra sai sót, nhất là trong thực hiện các nội dung mới như trường hợp nhân sự được quy hoạch cấp ủy chưa hết thời hiệu kỷ luật. Trong trường hợp như vậy, phương án thực hiện ra sao đều phải tuyên truyền, tạo đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân để tránh mất đoàn kết. Trong khi đó, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo lưu ý, đại hội lần này có nhiều điểm mới như việc khảo sát nhân sự, thẩm tra chính trị nội bộ... và phải chú ý thực hiện đúng.
Làm rõ hơn vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, trong quá trình chỉ đạo đại hội, Thường trực, Ban Thường vụ cấp ủy phải chủ động nắm chắc tình hình tại địa phương, nhất là ở những tổ chức cơ sở Đảng còn có đơn, thư khiếu nại chưa được giải quyết, đơn thư liên quan đến nhân sự đại hội. Đối với mỗi vấn đề, cần được tập trung chỉ đạo giải quyết, kết luận rõ ràng. Đây là cách vừa để bảo vệ cán bộ, vừa không để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào danh sách nhân sự giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp…
So với số lượng đại hội điểm được tổ chức xong, các đảng bộ được chọn tổ chức đại hội điểm chưa hoàn thành vẫn chiếm phần lớn, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải tiếp tục sát sao, nhất là những vấn đề đã được các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy lưu ý. Tổ chức đại hội điểm thành công là cơ sở để rút kinh nghiệm và tiếp tục chỉ đạo thành công 100% đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở đúng tiến độ, hướng tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.