Quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện

Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 02/03/2020

(HNM) - Dự báo nhu cầu điện trong năm 2020 tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện, mực nước các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp. Trước những thách thức đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tích cực quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Hệ thống điều độ điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề này.

Công nhân Tổng công ty Điện lực Hà Nội sửa chữa, bảo dưỡng đường dây nhằm bảo đảm cung cấp điện ổn định tới người tiêu dùng. Ảnh: Sơn Hà

- Ông có thể cho biết những thách thức mà EVN phải đối mặt trong việc bảo đảm cung ứng điện năm nay?

- Năm nay, dự kiến sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 260,5 tỷ kWh, tăng 8,57%; trong đó, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 251,6 tỷ kWh; công suất cực đại (Pmax) đạt 41.237MW, tăng 7,9% so với năm 2019. Trong khi đó, Tập đoàn dự báo điện sản xuất và mua toàn hệ thống năm nay có thể lên đến 265,4 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019. Trên cơ sở tính toán cung - cầu điện năm 2020 cho thấy, nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện, nhất là cấp điện mùa khô năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, năm 2019 các hồ thủy điện ở phía Bắc trên dòng chính sông Đà không có lũ và diễn biến theo chiều hướng cực đoan ngày càng trầm trọng hơn. Lượng nước tích trong các hồ thủy điện đến hết năm 2019 hụt 4,55 tỷ mét khối nước so với mực nước dâng bình thường, dự báo năm 2020 có nhiều bất lợi về thủy văn. Cùng với đó, hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp, tiến độ đầu tư các dự án nguồn mới chậm hơn dự kiến. Trong tháng 1 và tháng 2-2020, các hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng phải vận hành xả khoảng hơn 2,7 tỷ mét khối nước phục vụ đổ ải vụ đông xuân 2019-2020 của Đồng bằng Bắc Bộ. Việc này khiến nguồn nước dự trữ của các thủy điện bị thiếu hụt…

- Vậy những điều này gây khó khăn như thế nào đối với hoạt động của EVN, thưa ông?

- Tính toán của EVN cho thấy, sản lượng thủy điện dự kiến huy động thấp hơn 2,7 tỷ kWh do lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn tần suất 65%; sản lượng khí cung cấp cho phát điện tiếp tục giảm; sản lượng điện huy động từ các nguồn khí dự kiến thấp hơn 417 triệu kWh so với kế hoạch. Trong khi đó, tổng công suất nguồn điện mới dự kiến đi vào vận hành trong năm 2020 chỉ đạt 4.329MW (gồm nhiệt điện BOT Hải Dương 1.200MW; thủy điện 1.138MW; điện gió 118MW; điện mặt trời 1.873MW).

Như vậy, EVN sẽ phải huy động tối đa liên tục các nguồn nhiệt điện than, khí trong mùa khô cũng như cả năm 2020 và hệ thống không còn dự phòng. Do vậy, hệ thống điện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không bảo đảm cung ứng điện trong trường hợp xảy ra các rủi ro về nhiên liệu.

- Khắc phục những khó khăn này, EVN đã xây dựng giải pháp như thế nào?

- Để bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, EVN đã thường xuyên cập nhật, đề xuất các giải pháp, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương; tích cực chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện ngay trong tháng 1-2020.

Ngoài các nguồn huy động từ thủy điện, nhiệt điện than, khí, năng lượng tái tạo… ngành Điện dự kiến huy động 5,12 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu có giá thành cao, trong đó riêng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) dự kiến phải huy động khoảng 4,9 tỷ kWh từ nguồn nhiệt điện dầu trong điều kiện thủy văn không được cải thiện. Thực tế, EVN đã phải huy động nhiệt điện dầu ngay trong tháng 1-2020 để điều tiết, giữ nước các nhà máy thủy điện nhằm bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu phụ tải. EVN cũng tăng huy động từ các nguồn nhiệt điện than 2,237 tỷ kWh, chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than mới và các nhà máy đang chạy thử nghiệm.

Riêng trong tháng 1-2020, EVN đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Trong đó, EVN yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện trong 6 tháng mùa khô năm 2020, không để thiếu điện trong mọi tình huống; bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện đúng tiến độ. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhằm bảo đảm cung cấp điện trong năm 2020, Bộ Công Thương cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho EVN và các đơn vị liên quan để cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu. Theo đó, các đơn vị phát điện phải thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị của các nhà máy điện bảo đảm nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện; chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị nhiên liệu (than, khí, dầu) để cung cấp đủ cho nhu cầu phát điện, bao gồm cả phương án sử dụng than trộn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. EVN và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, đặc biệt là các công trình truyền tải điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Nam và các nguồn thủy điện nhỏ ở khu vực Tây Bắc để góp phần bảo đảm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia…

Với các giải pháp cụ thể và sự chỉ đạo kịp thời của cấp có thẩm quyền, EVN sẽ nỗ lực cùng các đơn vị liên quan bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hải