Hệ thống mã địa chỉ bưu chính: Nhiều lợi ích
Xe++ - Ngày đăng : 07:32, 02/03/2020
Theo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thời gian qua, tình trạng nhà dân, cơ quan, đơn vị chưa có địa chỉ đường, phố, hoặc có địa chỉ không rõ ràng,... diễn ra khá phổ biến, gây không ít khó khăn cho dịch vụ giao nhận bưu chính. Do đó, việc gắn mã địa chỉ cho từng nhà, từng vùng là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề trên.
Ông Lâm Quang Thành, Phó Giám đốc Bưu chính Viettel, chi nhánh Ba Đình thuộc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, địa chỉ giao nhận không rõ ràng khiến bưu tá vừa mất thời gian, vừa tốn chi phí tìm đường, gọi điện hỏi thăm địa chỉ phát hàng. Còn anh Thế Quân, nhân viên giao bưu phẩm, bưu kiện khu vực quận Đống Đa, Thanh Xuân cho biết, giao hàng tại các khu phố cũ có thuận lợi hơn, vì địa chỉ đã định hình sẵn. Tuy nhiên, khi giao hàng ở các khu phố mới khó khăn hơn, vì chưa quen đường, phố, ngõ và do vậy khi giao hàng phải mất nhiều thời gian tìm địa chỉ cũng như gọi điện nghe chỉ dẫn...
Để giải quyết tình trạng trên, ngành Bưu chính đã xây dựng hệ thống mã bưu chính tới địa chỉ của từng hộ dân. Theo Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào, hệ thống mã bưu chính được xây dựng trên cơ sở bộ mã bưu chính quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (năm 2018). Ngoài việc phục vụ quá trình chuyển phát bưu chính nhanh chóng, chính xác tới người nhận, đây còn là cơ sở dữ liệu giúp xác định địa dư hành chính có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, như thương mại điện tử, bất động sản… "Đây cũng sẽ là bước chuyển đổi để Bưu điện Việt Nam thực hiện chiến lược chuyển đổi số, trở thành doanh nghiệp công nghệ" - ông Chu Quang Hào nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về quá trình triển khai, ông Nguyễn Quốc Vinh - thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính có mạng lưới rộng khắp cả nước, với hơn 13.000 điểm giao dịch (gồm trên 8.000 điểm bưu điện văn hóa xã đến tận địa bàn vùng sâu, vùng xa) và có lực lượng lao động trên 70.000 người (gồm cả cộng tác viên, đại lý)... Đây là lợi thế để tổng công ty tổ chức thu thập dữ liệu địa chỉ của hơn 24 triệu hộ gia đình trong toàn quốc. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vinh, việc xây dựng mã địa chỉ bưu chính đến hộ gia đình còn được kết hợp triển khai cùng Đề án "Phát triển hệ tri thức Việt số hóa", trong đó Bưu điện Việt Nam được giao triển khai dự án "Nền tảng dữ liệu bản đồ số Việt Nam - V-map".
"Vì vậy, ứng dụng mã địa chỉ bưu chính đến từng gia đình sẽ được cập nhật trên V-map. Từ đó, Bưu điện Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tích hợp và hiển thị về các cơ sở du lịch, lưu trú, các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, địa chỉ nhân đạo... lên V-map" - ông Nguyễn Quốc Vinh thông tin. Dự kiến, Bưu điện Việt Nam sẽ hoàn thành xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới từng hộ dân trên cả nước vào ngày 1-6-2020.
Đánh giá về việc triển khai xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp bưu chính thực hiện các công đoạn vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử trong nước. Đồng thời, từng bước đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với nền bưu chính số, thương mại điện tử có thể được coi là tương lai của ngành Bưu chính.