"Chạy đua" nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:30, 03/03/2020

(HNM) - Từ kinh nghiệm sản xuất thành công vắc xin phòng sởi - rubella, cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B… cũng như nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2, Việt Nam đang “chạy đua” nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Sản xuất vắc xin tại Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1.

Những bước tiến của ngành sản xuất vắc xin Việt Nam

Nhắc đến lịch sử của ngành vắc xin Việt Nam, ai cũng phải tự hào và khâm phục các thế hệ đi trước. Năm 1962, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh và rất khó khăn, Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên đã phối hợp với các đồng nghiệp Liên Xô (nay là Liên bang Nga) nhận chuyển giao thành công chủng vi rút sabin để sản xuất ra được vắc xin phòng bại liệt Sabin OPV. Ông là người đầu tiên mang vắc xin về Việt Nam, đồng thời mang luôn nghề sản xuất vắc xin về cho đất nước, đặt nền móng vững chắc cho ngành vắc xin Việt Nam hôm nay.

Từ những bước chân khai phá đầu tiên, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học Việt Nam liên tục nghiên cứu, hợp tác quốc tế rất hiệu quả để ngành phát triển. Từ đó có những vắc xin quan trọng, như: Viêm gan B, viêm não Nhật Bản, vắc xin tả uống, vắc xin rota… ra đời, góp phần chấm dứt rất nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam, khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA). Việc đạt được NRA đã mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc xin của Việt Nam ra thế giới, góp phần cung cấp vắc xin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và toàn cầu.

Hiện tại, Việt Nam tự hào có thể sản xuất được 13 loại vắc xin, trong đó nhiều loại được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Cụ thể, năm 2016, Việt Nam đã tự sản xuất được vắc xin phối hợp phòng sởi - rubella (MR) chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản. Đến năm 2018, đánh dấu thành tựu lớn tiếp theo của ngành Y tế Việt Nam - sản xuất thành công vắc xin cúm mùa 3 trong 1, gồm cúm A/H1N1/09, A/H3N2, cúm B và vắc xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đây là loại vắc xin cúm đầu tiên do Việt Nam sản xuất góp phần chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm chi phí. Việt Nam là một trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm (chủng vi rút H1N1, H3N2 và B) phục vụ phòng, chống đại dịch trên thế giới.

Nước ta hiện có 4 nhà máy sản xuất vắc xin với trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Các nhà máy này của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức sản xuất ra các loại vắc xin hiện đại với giá thành chỉ bằng 1/3 so với các loại vắc xin ngoại cùng chủng loại. Theo mục tiêu của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ sản xuất được 14 loại vắc xin để sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế), để tạo ra được một loại vắc xin mới cần phải trải qua rất nhiều giai đoạn, nhằm bảo đảm tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắc xin. Đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro, bởi không phải khi nào các dự án nghiên cứu cũng thành công. Ngoài ra, việc nghiên cứu, chế tạo và sản xuất cũng gặp nhiều rủi ro khác, như khi đi vào sản xuất thương mại, thì dịch bệnh đã qua hoặc vắc xin bị rút phép, ngừng lưu hành vì tác dụng phụ…

Xây dựng 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19

Trong số rất nhiều chủng vi rút corona có khả năng lây nhiễm ở người, hiện mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19. Thế nhưng, cả 2 đại dịch lần trước thế giới đều chưa có vắc xin nào được thương mại hóa. Bởi vậy, lần này nếu sản xuất thương mại được vắc xin phòng dịch Covid-19 sẽ là một bước tiến đặc biệt ấn tượng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, một trong những nhiệm vụ mà Viện được Bộ Y tế giao là nghiên cứu sâu hơn về độc lực của vi rút SARS-CoV-2. Việc tạo ra vắc xin phòng bệnh, nhất là với chủng vi rút mới, còn nhiều điều chưa rõ là một bài toán rất khó và không thể thực hiện trong thời gian sớm. Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, phải mất từ 6 đến 12 tháng mới có những kết quả ban đầu về hướng nghiên cứu kháng thể để sản xuất vắc xin.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 cho biết, trong điều kiện thuận lợi nhất, Việt Nam cần ít nhất một năm mới có vắc xin phòng Covid-19. Hiện tại, Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 đang thực hiện dự án nghiên cứu “Phát triển vắc xin chống lại chủng mới của vi rút corona (Covid-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm”.

Đây là một trong 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch Covid-19 do Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) và Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VINBDI) tài trợ (2 dự án còn lại là: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và vi rút học; Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng phát triển hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch Covid-19). Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 dự kiến sẽ sản xuất thử nghiệm bước đầu 1.000 liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy trình công nghệ sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm.

Thu Hằng