Bài 3: Thành ủy Hà Nội lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 04/03/2020
1. Giai đoạn 1930-1944, phong trào cách mạng ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn do địch khủng bố gắt gao; nhiều lần Thành ủy được thành lập, nhưng hoặc cơ sở bị bại lộ, hoặc Bí thư Thành ủy bị địch bắt, xử tử. Năm 1943, tôi được Đảng điều động từ Hưng Yên lên Hà Nội gây dựng lại phong trào ở ngoại thành, đến tháng 3-1945 nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy. Ngày ấy, Hà Nội là nơi đặt đại bản doanh cơ quan đầu não của phát xít Nhật ở Đông Dương. Đánh bại cơ quan đầu não của địch không dễ. Tin ở dân, tuyệt đối tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng, rút kinh nghiệm từ thời kỳ hoạt động ở Hưng Yên, tôi cùng Thành ủy bắt tay xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển An toàn khu vững chắc ngay trong lòng địch.
Có nhiều gia đình quan lại phong kiến, gia đình thợ thuyền được giác ngộ đã cưu mang, che chở, bảo vệ cán bộ. Một trong những cơ sở tin cậy của Thành ủy ngày ấy là gia đình bà Đinh Thị Hợp và con cháu cố Tri phủ Nguyễn Diệp Quảng ở số nhà 96 phố Hàng Bột, nơi tôi và các đồng chí Vũ Oanh, Lê Đức Vân thường xuyên đi về. Nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên say mê lý tưởng cách mạng đã dấn thân hoạt động sôi nổi. Nhờ xây dựng thành công cơ sở cách mạng, các đồng chí trong Xứ ủy, Thành ủy đã đứng vững, từ đó phát triển phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Sau khi có cơ sở, có căn cứ vững chắc, Thành ủy xác định yêu cầu phải xây dựng lực lượng bán vũ trang tại chỗ và cơ động để làm bàn đạp, tạo bước nhảy vọt mới tiến công vào nội thành. Qua chủ trương này, nhiều thanh niên hăng hái tham gia luyện tập quân sự, từ đó hình thành các chi đội tự vệ chiến đấu bán vũ trang, nòng cốt cho các tổ chức như Tự vệ Cứu quốc, Đội trừ gian. Chính lực lượng này là nòng cốt của Đội Thanh niên Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, lực lượng chủ yếu đánh chiếm Trại Bảo an binh ngày 19-8-1945.
Ngoài xây dựng cơ sở trong nhân dân, Thành ủy Hà Nội chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng trong lực lượng ngụy quân, ngụy quyền và ngay cả với quân đội phát xít Nhật, biến lực lượng của kẻ thù thành lực lượng cách mạng. Đây là bước phát triển mới của cách mạng Hà Nội, tạo thời cơ cho ta phát động cao trào cách mạng trong toàn thành phố với một bộ phận địch đã được cảm hóa, trở thành lực lượng cách mạng.
Ngày 17-8-1945, quần chúng cách mạng đã cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật thành cuộc diễu hành thị uy của lực lượng cách mạng, tạo nên không khí sôi nổi, hừng hực khí thế cách mạng trước ngày Tổng khởi nghĩa. Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã có nhiều quan lại cấp cao của triều đình nhà Nguyễn, nhiều sĩ quan quân đội Nhật được giác ngộ tham gia hàng ngũ Việt Minh, chống thực dân Pháp, chiến đấu vì độc lập - tự do của nước Việt Nam mới.
2. Những ngày tháng 8-1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến rất khẩn trương. Ngày 15-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện. Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh Tổng khởi nghĩa” quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, chọn bài "Tiến quân ca" làm Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tại Hà Nội, ngày 15-8-1945, hai đồng chí Trần Tử Bình và Nguyễn Khang, đại diện của Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hà Nội, đã quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa) của Mặt trận Việt Minh - do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch và 4 ủy viên: Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa và tôi, cùng cố vấn Trần Đình Long gấp rút chuẩn bị vũ trang, khởi nghĩa giành chính quyền.
Chiều 17-8-1945, tại làng Vạn Phúc - An toàn khu ở Hà Đông, đại diện Xứ ủy đã quyết định: Dựa trên Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội mà không cần chờ lệnh của Trung ương. Quyết định quan trọng này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng phe Đồng minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Việt Nam và Đông Dương.
Ngay tối 17-8-1945, với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy kiêm Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa, tôi triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng, họp tại xã Dịch Vọng (nay thuộc quận Cầu Giấy). Tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng, lực lượng quân sự của ta còn yếu, nên chờ sự hỗ trợ của Trung ương. Nhưng phân tích, đánh giá đúng tình hình, Thành ủy quyết định Hà Nội sẽ khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945. Ngày lịch sử ấy, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11h tại Nhà hát Lớn với hàng chục vạn người tham gia đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình thị uy vang dội. Sau đó, theo kế hoạch, quần chúng chia làm hai khối, lần lượt chiếm những vị trí quan trọng. Đoàn đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát do đồng chí Nguyễn Khang phụ trách. Tôi phụ trách đoàn chiếm Trại Bảo an binh (nay là 40 Hàng Bài).
3. Một bài học quan trọng của Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là có đối sách thích hợp, hiệu quả, làm vô hiệu hóa lực lượng phát xít Nhật. Hà Nội lúc bấy giờ có hơn 1 vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại. Ngày
19-8-1945, theo phân công của Thành ủy và Ủy ban khởi nghĩa, tôi chỉ huy anh em Đội Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu chiếm Trại Bảo an binh. Tại đây có 1.000 quân Bảo an của chính quyền thân Nhật đồn trú. Trước tình hình như vậy, Thành ủy đã sáng tạo, chủ động tìm phương thức mới: Dùng ngoại giao quân sự với hậu thuẫn là khí thế cách mạng của quần chúng đã thành cao trào để vô hiệu hóa một lực lượng quân sự đông đảo, tinh nhuệ.
Do khéo vận động, thuyết phục, với khí thế cách mạng áp đảo, ta đã không phải nổ súng mà vẫn chiếm được Trại Bảo an binh, chiếm được kho vũ khí của địch để trang bị cho lực lượng vũ trang cách mạng. Lúc này, Bộ Chỉ huy quân đội Nhật đã điều 2 xe tăng và rất nhiều binh lính đến bao vây, uy hiếp, ra tối hậu thư buộc ta hạ vũ khí, giao nộp trại. Trước tình thế đó, ta đã sáng tạo, dùng biện pháp ngoại giao, đàm phán với quân Nhật.
Chiều tối 19-8-1945, phái đoàn đàm phán của Việt Minh do đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa và cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu đã đến Tổng hành dinh quân đội Nhật ở Đông Dương (nay là 33 Phạm Ngũ Lão) trực tiếp gặp gỡ và đàm phán với Tướng Tsuchihashi Yuitsu - Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật tại Đông Dương. Cuộc đàm phán diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng phía Nhật đã chấp nhận án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Đổi lại, binh lính của họ sẽ được bảo đảm an toàn, không bị Việt Minh tấn công. Như thế là họ đã chấp nhận chính quyền cách mạng của ta. Kết quả đàm phán mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, bởi Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn dập tắt mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại Hà Nội trong thời điểm đó.
Dùng ngoại giao quân sự với hậu thuẫn là khí thế cách mạng của quần chúng là một phương thức cách mạng mới, được Thành ủy Hà Nội và Ủy ban khởi nghĩa vận dụng một cách sáng tạo. Đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư của Đảng đánh giá "Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước". Cả nước theo gương Hà Nội, vận dụng kinh nghiệm khởi nghĩa ở Hà Nội nên đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa thành công, giành được độc lập cho dân tộc.
*
* *
Những bài học thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội về tư tưởng cách mạng tiến công, đoàn kết, trí tuệ, không dập khuôn, máy móc để đạt được mục tiêu thắng lợi; về xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng dân; về công tác địch vận, cảm hóa kẻ thù và về bản lĩnh trong lựa chọn phương thức đấu tranh phù hợp hoàn cảnh cụ thể vẫn là bài học vẹn nguyên tính thời sự. Nếu vận dụng một cách sáng tạo, thích hợp, những bài học này sẽ tỏa sáng mãi với cách mạng nước ta, với các dân tộc và thế giới trong thời đại mới.
(Còn nữa)