Tăng cường sức đề kháng - biện pháp phòng bệnh hiệu quả hàng đầu
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:37, 05/03/2020
Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), điều cần thiết là phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì một lối sống tích cực và lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, nâng cao khả năng miễn dịch và phòng, chống dịch bệnh.
Tập trung nâng cao thể trạng
Với dịch Covid-19, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho rằng, chiến lược giám sát, điều trị hiện nay là tập trung cách ly, sàng lọc bệnh nhân dựa vào hai yếu tố: Thứ nhất là yếu tố dịch tễ, người đi về từ những vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần với người được khẳng định hay nghi ngờ nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thứ hai là có triệu chứng lâm sàng, tức là bệnh nhân có sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, tức ngực, cảm giác đau mỏi người...
Hiện nay, Bộ Y tế hướng dẫn phác đồ điều trị là phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng, không để tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có) xảy ra, trong đó tập trung nâng cao thể trạng. 16 bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở Việt Nam được cách ly và điều trị theo phác đồ này đều khỏi bệnh.
Để phòng, chống dịch Covid-19, cần tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Theo ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh vi rút xâm nhập vào trong cơ thể. Hệ miễn dịch bẩm sinh cũng như hệ miễn dịch chủ động đều hình thành qua các tế bào lympho T, lympho B và đều cần có các nguyên liệu để nó phát triển.
Cùng với quá trình lớn lên, cơ thể con người thu nạp vitamin, chất khoáng, các protein, theo đó hệ miễn dịch của con người cũng ngày càng hoàn chỉnh thông qua hấp thu các chất dinh dưỡng, qua tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tạo ra kháng thể. Ngoài ra, việc tiêm phòng vắc xin cũng giúp chúng ta tạo ra các miễn dịch chủ động. Do đó, chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý là hết sức quan trọng để phòng bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một hệ miễn dịch tốt, sức đề kháng tốt chính là “thành trì” bảo vệ sức khỏe khỏi mọi sự tấn công từ các tác nhân bên ngoài. Sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng... xâm nhập vào bên trong và gây bệnh. Mỗi bệnh nhân có mức độ bệnh nặng nhẹ khác nhau là do sức đề kháng khác nhau. Nếu sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh thì ít nguy cơ mắc bệnh hơn, trường hợp không may có mắc thì bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ và phục hồi nhanh hơn.
“Chìa khóa vàng” bảo vệ sức khỏe
Để bảo đảm có được thể lực và hệ miễn dịch thật tốt, các chuyên gia đều khuyên người dân phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý. Hằng ngày, chúng ta ăn khoảng 60 chất khác nhau, nhưng có 40 chất mà cơ thể không tự tổng hợp được. Do đó, chúng ta cần sử dụng thực phẩm một cách đa dạng, thuộc nhiều nhóm khác nhau như đạm, dầu mỡ, tinh bột, rau xanh...
Riêng với trẻ em, do cơ thể phát triển chưa hoàn chỉnh nên hệ miễn dịch kém hơn người trưởng thành. Vì vậy, chúng ta càng cần phải chú ý trong chăm sóc trẻ nhỏ. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần phải cho bú sữa mẹ để các em có được kháng thể tự nhiên; về chế độ ăn uống, phải hết sức lưu ý tăng cường vi chất để trẻ nhỏ có sức đề kháng tốt. Các bà mẹ mang thai cần phải được cung cấp đủ dinh dưỡng qua việc nâng cao khẩu phần ăn.
Ông Lê Danh Tuyên khuyến cáo, trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải thay đổi lối sống sinh hoạt như hạn chế uống rượu, bia hay hút thuốc lá, đồng thời phải tập thể dục đều đặn... để nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.
Ngoài ăn uống bảo đảm đầy đủ dưỡng chất, để phòng, chống dịch Covid-19, mỗi người cũng cần thay đổi thói quen hằng ngày như: Có thớt riêng cho thức ăn chín và đồ sống, không dùng chung bát nước chấm, khi múc thức ăn từ bát chung cần có thìa riêng, không dùng chung chậu rửa mặt, không ăn các loại động vật hoang dã và không rõ nguồn gốc, không ăn thức ăn sống...
Đặc biệt, đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, bà mẹ mang thai, người già phải tránh yếu tố lây nhiễm, tránh đến nơi đông đúc hoặc tiếp xúc người có nguy cơ cao. Mỗi người cần thường xuyên rửa tay khi sờ vào tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, khóa vòi nước, nút bấm trong thang máy...