Đối phó và kiểm soát dịch Covid-19: Các quốc gia thực thi nhiều biện pháp quyết liệt
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 05/03/2020
Từ kinh nghiệm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, cùng hiệu quả ban đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt được ở một số nước, trong đó có Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay xem việc cách ly là ưu tiên hàng đầu để ngăn chặn dịch lan rộng. Thực tế cho thấy, tại Trung Quốc, kể từ khi chính quyền ra quyết định “phong tỏa” thành phố tâm dịch Vũ Hán cũng như áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế đi lại ngay trong thành phố này, đến nay, số ca nhiễm bệnh hằng ngày đã giảm rõ rệt. Có thời điểm, số bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới trong ngày tại nước nước này lên tới trên 2.000 người, con số tử vong là hơn 150 người.
Đến ngày 4-3, số bệnh nhân mới của Trung Quốc đã giảm xuống 119 ca và 38 người tử vong. Tuy nhiên, gần đây nước này đã ghi nhận 13 trường hợp nhiễm Covid-19 từ nước ngoài quay trở về Trung Quốc. Để đối phó, thành phố Bắc Kinh đã áp dụng cách ly 14 ngày đối với người từ các nước có dịch bùng phát mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Italia, trong khi thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh) xét nghiệm toàn bộ người từ nước ngoài đến. Tỉnh Quảng Đông buộc cách ly 14 ngày với những người đến từ các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Là nước thứ hai, sau Trung Quốc bị Covid-19 hoành hành, khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Hàn Quốc đã khẩn trương cách ly bắt buộc hơn 6.000 người. Còn Italia, quốc gia hiện đang có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất châu Âu với 2.502 trường hợp và 79 người tử vong cũng đang áp dụng biện pháp cách ly 11 thị trấn ở miền Bắc kể từ ngày 23-2. Chỉ có cảnh sát, nhân viên y tế và xe tải chở vật tư thiết yếu mới được di chuyển từ ngoài vào các địa phương này.
Nhiều chuyên gia y tế thế giới nhận định, bên cạnh khoanh vùng, cách ly vốn đã khẳng định tính hiệu quả trong việc kiểm soát dịch bệnh, việc hạn chế hoặc cấm di chuyển cũng mang lại kết quả tức thời trong việc làm chậm, ngăn chặn dịch lây lan, qua đó, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Do vậy, tính đến thời điểm này, đã có hơn 80 quốc gia hạn chế nhập cảnh đối với công dân đến từ Trung Quốc, 94 quốc gia hạn chế nhập cảnh với người Hàn Quốc. Công dân đến từ Italia, Iran cũng nằm trong danh sách hạn chế nhập cảnh của nhiều nước. Trong đó, Ấn Độ đình chỉ thị thực đối với công dân Iran và những người nước ngoài từng đến Iran sau ngày 1-2. Iraq cũng đưa ra quyết định tương tự khi dịch Covid-19 tại quốc gia láng giềng Iran diễn biến phức tạp. Cùng với đó, hàng loạt quốc gia trên thế giới đều đưa ra khuyến cáo công dân không di chuyển tới những quốc gia đang nằm trong “điểm nóng” về dịch bệnh.
Tham gia vào “cuộc chiến” toàn cầu chống lại Covid-19, hàng chục hãng hàng không khắp thế giới đã lần lượt ngừng hoặc giảm tần suất các chuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italia. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), dịch Covid-19 có thể khiến doanh thu của các hãng hàng không trên toàn cầu thiệt hại tới 30 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IATA, ông Alexandre de Juniac cho rằng, việc ngăn chặn sự lan truyền của Covid-19 phải là ưu tiên hàng đầu và hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn cho thế giới nếu dịch bệnh lan rộng.
Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi chính phủ trong thời điểm hiện nay khi việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân là mục tiêu tối thượng. Trên tinh thần đó, quyết định dừng các sự kiện tập trung đông người đã trở nên phổ biến khắp thế giới, bao gồm cả việc đến trường của học sinh. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer ngày 3-3 thông báo đã đóng cửa khoảng 120 trường học tại các vùng có dịch và con số này có thể tăng thêm trong những ngày tới. Theo quyết định mới nhất được đưa ra ngày 4-3, Chính phủ Italia sẽ đóng cửa toàn bộ các trường học trên cả nước trong 2 tuần. Chính phủ Anh cũng đã công bố kế hoạch này trong trường hợp dịch bệnh lan rộng… Giới chức y tế nhận định, động thái này là một trong những giải pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm mới.
Ngày 4-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 3,4% các trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 đã tử vong song nhấn mạnh nguy cơ mắc bệnh còn phụ thuộc vào độ tuổi, nơi sống và sức khỏe của mỗi người. Tổ chức này cũng đã công bố 10 biện pháp phòng ngừa cơ bản cho cá nhân, trong đó nhắc lại sự cần thiết của việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch chứa cồn hay xà phòng và nước, khử trùng các bề mặt vật dụng như bàn, ghế, tránh đi lại khi bị sốt hoặc ho, liên tục cập nhật kiến thức về Covid-19 từ các nguồn đáng tin cậy…
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thời hối thúc người dân tuân thủ hướng dẫn của quốc gia và tham vấn các chuyên gia y tế địa phương để cùng ứng phó với dịch Covid-19. Thực tế cho thấy, việc khống chế thành công dịch bệnh không chỉ đến từ hành động quyết liệt của chính phủ mỗi quốc gia mà còn phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm của từng người dân. Khi mỗi cá nhân đồng thuận với các quyết định của chính quyền, tự giác tuân thủ những hướng dẫn từ cơ quan chức năng thì có nghĩa là chúng ta đã cắt đứt một mắt xích lây lan của dịch bệnh và góp phần đẩy lùi mối nguy hiểm đang đe dọa sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.