Giới hạn sáng tạo?
Văn hóa - Ngày đăng : 10:39, 05/03/2020
Theo đó, việc sử dụng, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình sẽ khắt khe hơn trước rất nhiều. Ngoài việc không được phản ánh, ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia thì việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia. Các trường hợp khác phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền duyệt phim hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn...
Đứng trước thông tin này, không ít nghệ sĩ đã bày tỏ ý kiến, cho rằng việc quy định như vậy có thể hạn chế sự sáng tạo bởi xưa nay rượu thường được dùng như một "chìa khóa" để giải quyết rất nhiều tình huống kịch. Chẳng hạn như việc "mượn rượu giải sầu" để nói lên tâm trạng của nhân vật, mượn rượu để đưa nhân vật vào tình huống trớ trêu, những cạm bẫy hay đơn giản là phản ánh một phần hiện thực đời sống... Điều này gợi cho công chúng nhớ lại những phản ứng tương tự khi quy định về việc hạn chế sử dụng hình ảnh thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh trước đây.
Lúc đó, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là cứng nhắc, hạn chế sáng tạo. Thậm chí có người còn cho rằng, với một số mẫu nhân vật thì điếu thuốc trên tay gần như là tạo hình bắt buộc. Tuy nhiên, đã qua hơn một năm thực hiện, chúng ta gần như đã có nền sân khấu và điện ảnh "sạch khói thuốc" mà không ai phải lăn tăn gì về chất lượng nghệ thuật chỉ vì bỏ đi một vài cảnh hút thuốc!
Tác hại của rượu, bia hay thuốc lá với xã hội thì ai cũng rõ và sự đồng hành của nghệ sĩ trong việc chuyển tải thông điệp này đến công chúng là rất quan trọng. Hy vọng các nghệ sĩ sẽ tìm ra cách thức khác nhau để vẫn tạo ra được sức hấp dẫn cho tác phẩm mà không cần mượn đến men say!