Tiếp tục gỡ nút thắt tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Giao thông - Ngày đăng : 16:51, 05/03/2020
Doanh nghiệp dự án sốt ruột
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT có chiều dài toàn tuyến là 51,1km. Tháng 4-2019, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang.
Dự án có tổng vốn đầu tư là 12.668 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỷ đồng (đã giải ngân); Liên doanh 4 ngân hàng là VietinBank, BIDV, Agribank và VPBank đã ký hợp đồng cho vay là 6.686 tỷ đồng. Các bên cam kết đưa dự án về đích đúng thời hạn, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là thông tuyến trong năm 2020, hoàn thành vào năm 2021.
Tuy nhiên, tính đến ngày 5-3, nguồn vốn tín dụng lớn nhất gần 6.700 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại lại chưa được giải ngân. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: “Theo điều khoản trong hợp đồng tín dụng đến ngày 16-3-2020, nếu nguồn vốn này không được giải ngân thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực. Nếu không được giải ngân thì tiến độ chung của dự án sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Theo ông Vinh, vướng mắc nằm ở chỗ quan điểm của UBND tỉnh Tiền Giang, bên được Chính phủ ủy quyền là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án, và các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều điểm khác nhau, khiến phía ngân hàng chưa giải ngân số tiền chiếm tới 50% tổng vốn của dự án.
Doanh nghiệp dự án cho biết, hiện khối lượng dự án đã đạt 34%. Tháng 3 và 4-2020 sẽ cần nguồn lực về tài chính rất lớn để thực hiện các hạng mục thi công móng, cọc và gia tải xử lý nền cốt đất yếu. "Nếu không được bổ sung nguồn vốn kịp thời, chúng tôi sẽ khó hoàn thành mục tiêu thông tuyến trong năm 2020", ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận nói.
Tỉnh Tiền Giang "đã nỗ lực hết sức"
Trước những lo lắng của doanh nghiệp đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, chiều 4-3, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), VietinBank (ngân hàng đầu mối cấp tín dụng) nhằm giải quyết các vướng mắc liên quan.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện còn hai điều kiện giải ngân cuối cùng mà ngân hàng đầu mối là VietinBank yêu cầu, bao gồm: Tỉnh Tiền Giang phải có văn bản cam kết lộ trình tăng giá vé và UBND tỉnh phải có văn bản chấp thuận cho doanh nghiệp, các cổ đông được thế chấp cổ phần cho tổ chức tín dụng.
Từ góc độ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án, UBND tỉnh Tiền Giang thấy rằng, với việc cam kết giá và lộ trình tăng giá vé đường vào lúc này, khi công trình chưa hoàn công, là điều không thể, vì không có căn cứ xác định tổng mức đầu tư thực tế để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, hai văn bản hiện thời do Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt UBND tỉnh ký là thể hiện nội dung phương án tài chính chứ không phải ban hành giá vé đường. UBND tỉnh cam kết, nếu không có yếu tố khách quan nào tác động thì sẽ thực hiện theo phương án tài chính đã ban hành.
Về thế chấp cổ phần trong dự án, theo UBND tỉnh Tiền Giang, đây là các yêu cầu chưa từng có tiền lệ. Pháp luật không quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dự án làm như vậy.
Để giải quyết vướng mắc này, UBND tỉnh sẽ cùng liên danh nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc thế chấp cổ phần thuộc sở hữu của nhà đầu tư tại Khoản 58.3 thuộc Điều 58 của hợp đồng BOT số 14/HĐ.BOT-BGTVT ký kết ngày 18-11-2016; đồng thời, thay đổi thông tin người đại diện theo pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: “Tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực hết mình trong khả năng và nếu vấn đề không được các bên đồng ý thì UBND tỉnh Tiền Giang chỉ còn cách tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.