Có thể thực hiện online toàn bộ quy trình nộp phạt vi phạm giao thông
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 17:09, 05/03/2020
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân trong thực hiện các dịch vụ công. Trong điều kiện cả nước đang quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, thay vì việc thực hiện các thủ tục trực tiếp, cần đẩy mạnh thực hiện trực tuyến. Điều này cũng giảm rất nhiều thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công.
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp đăng nhập một lần với 11/22 bộ, ngành, 62/63 địa phương (còn Bà Rịa - Vũng Tàu đang tổ chức thực hiện); thực hiện kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính với 13/22 bộ, ngành, 63 địa phương. Có 16/22 bộ, ngành và 60/63 địa phương (trừ Tuyên Quang, Ninh Bình, Lào Cai) đã bố trí máy chủ bảo mật.
Cổng cũng đã kết nối với Hệ thống chứng thư số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ để thực hiện định danh, xác thực cho cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước để tăng cường mức độ bảo mật và bảo đảm việc quản lý tập trung, thống nhất, có sự phân cấp theo thẩm quyền trong các cơ quan, cán bộ, công chức khi vận hành các hệ thống công nghệ thông tin do Văn phòng Chính phủ xây dựng.
Đồng thời, Cổng tạo điều kiện cho người sử dụng các hệ thống chỉ cần một tài khoản có thể thực hiện nhiều hệ thống theo phân quyền, tránh một người phải nhớ nhiều tài khoản, mật khẩu.
Về tích hợp dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông đã tích cực, chủ động trong xây dựng hệ thống; phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dự kiến thí điểm ở 5 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Thuận và Cục Cảnh sát giao thông.
Hiện nay, các đơn vị đang kiểm thử quy trình, Cục Cảnh sát giao thông đang tổ chức tập huấn cho các địa phương thí điểm để có thể triển khai ngay khi khai trương.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan, hiện còn vướng mắc ở chỗ mã đơn vị Cảnh sát giao thông theo hệ thống của Cảnh sát giao thông chưa thống nhất với mã các đơn vị này trong hệ thống dữ liệu của Kho bạc Nhà nước. Nếu không thống nhất được nội dung này sẽ ảnh hưởng đến việc đồng bộ, truyền tải, đối soát dữ liệu. Do đó, việc này cần có sự thống nhất giữa các bên Kho bạc Nhà nước, Cục Cảnh sát giao thông và các ngân hàng, trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại hiện chưa thực hiện thu phạt xử lý vi phạm giao thông trên internet banking, nên để thực hiện được, Kho bạc Nhà nước cần thống nhất phương thức truyền chứng từ biên lai cho các khoản thu phạt từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các vướng mắc trên được xử lý kịp thời mới bảo đảm vận hành tốt từ ngày 12-3-2020 - thời điểm sơ kết 3 tháng triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia và dự kiến khai trương thêm một số dịch vụ công trên Cổng này, trong đó có dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phối hợp giữa các bên còn chậm do phải hoàn thiện nhiều quy trình kỹ thuật, khó bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đối với việc triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông đã cử tổ công tác triển khai cài đặt phần mềm tại 5 địa phương trên.
Đồng thời, Cục Cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thống nhất phương án và các trường thông tin đưa lên nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia, mẫu biên lai, chứng từ điện tử, đến tối 4-3 đã hoàn thành thử nghiệm.
Đối với đăng ký xe, nộp lệ phí trước bạ, giai đoạn 1 triển khai tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành trước ngày 10-3. Giai đoạn 2 triển khai thực hiện theo lộ trình của Tổng cục Thuế, khi Tổng cục Thuế đưa trường thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp thực hiện việc đăng ký xe cho người dân.
“Quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an là làm sao nhanh nhất, thuận lợi nhất và dễ nhất cho người dân, ai cũng có thể vào Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.
Theo đó, khi thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người dân vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tới các trường thông tin như số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ tên người vi phạm; biển số xe vi phạm sẽ tìm được quyết định xử phạt của mình. Khi tìm được, người dân có thể chọn các ngân hàng để thanh toán. Khi thanh toán thành công, người dân chọn hai phương thức nhận lại giấy tờ là tại nơi ra quyết định xử phạt hoặc qua đường bưu điện. Người dân có thể thực hiện tại nhà toàn bộ quy trình khép kín về xử phạt vi phạm hành chính.
Quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện mất khá nhiều thời gian, chỉ riêng việc lập biên bản này bằng giấy đã mất 20 - 30 phút mới xong, tổ công tác tuần tra kiểm soát sau mỗi ca làm việc phải mang hồ sơ về phòng, rồi phòng mới ra quyết định xử phạt.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho người dân. Bộ trường cho rằng, cần rút ngắn thời gian theo hướng nhập dữ liệu xử phạt online. Tổ tuần tra kiểm soát phải nhập dữ liệu, nối mạng với lãnh đạo phòng để ra quyết định xử phạt. Như vậy, sẽ chỉ có 1 biên bản xử phạt bằng giấy, còn quyết định xử phạt phải là điện tử.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan cũng cho ý kiến về giao diện, thiết kế, các công cụ và các nội dung tích hợp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, dự kiến sẽ khai trương, công bố vận hành một số phân hệ trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ vào ngày 12-3.
Để khai trương, Hệ thống phải bổ sung một số báo cáo quan trọng, có các chỉ tiêu lớn như cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, vốn ODA, các chỉ số về tăng trưởng điện năng, khả năng cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, cán cân thương mại... Các bộ phải ban hành được chế độ báo cáo xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, xã, mẫu biểu phải được chuẩn hóa, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.