Bỏ thói quen mua - bán thuốc tùy tiện

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 06/03/2020

(HNM) - Bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm nhưng lại đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Tình trạng này được hầu hết người dân chấp nhận, nhưng xét về mặt luật pháp, đạo đức với người hành nghề y và tính mạng con người, đây là hành vi cấp thiết phải điều chỉnh để buộc các cơ sở bán thuốc phải hoạt động đúng quy định nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Ngăn chặn tình trạng này, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra, trong đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối liên thông các nhà thuốc được kỳ vọng là một trong những cách để kiểm soát hiệu quả. Ở Hà Nội, tính đến hết năm 2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối là 6.353/7.196 cơ sở, đạt 88,3%. Đây là con số không nhỏ, nhưng hiệu quả chưa thật sự cao.

Trên thực tế, chúng ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh nhân viên nhà thuốc, quầy thuốc tùy tiện “bắt bệnh kê đơn” và vô tư bán từ thuốc chữa bệnh thông thường đến biệt dược, kháng sinh... mà không cần đơn của bác sĩ. Hậu quả là nhiều người bị "tiền mất, tật mang"... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường cho người sử dụng thuốc và cả cộng đồng.

Nguyên nhân tình trạng trên không khó nhận biết. Với người dân, thay vì đến bệnh viện mất thời gian để xếp hàng khám bệnh, khi tự mua thuốc điều trị, họ được người bán tư vấn tận tình; việc mua bán tiện lợi, nhanh chóng... Về phía cơ sở bán thuốc, do lợi nhuận nên dễ dàng chấp nhận các yêu cầu của khách. Còn với cơ quan quản lý nhà nước, nhân lực mỏng, chế tài thấp... khiến việc xử lý vi phạm kém hiệu quả...

Sự tùy tiện trong mua - bán thuốc diễn ra đã lâu và đến lúc phải được ngăn chặn. Trong đó, yếu tố chính, chủ thể gốc là các cơ sở bán thuốc phải tuân thủ quy định pháp luật.

Muốn vậy, các cơ sở y tế, các đơn vị cung ứng thuốc cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 ngày 7-9-2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, không tiếp tay và dung dưỡng cho những đơn vị vi phạm. Công tác quản lý thuốc và giá bán thuốc phải công khai, minh bạch; công khai danh tính những cơ sở vi phạm để người dân biết. Đồng thời, rà soát, sửa đổi những quy định còn bất cập; nâng chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.

Kinh doanh trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, những người bán thuốc cần nêu cao y đức, không chạy theo lợi nhuận trước mắt. Mặt khác, mỗi người nên là một tuyên truyền viên, giúp người dân hiểu, chỉ mua thuốc theo đơn của bác sĩ.

Để việc kết nối các cơ sở cung ứng thuốc đạt cả về số lượng và chất lượng, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của các nhà thuốc, quầy thuốc về những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn các cơ sở bán thuốc sử dụng phần mềm cho hiệu quả.

Đặc biệt, muốn giải quyết triệt để tình trạng nêu trên, ngành Y phải có giải pháp phục vụ người bệnh tốt hơn bằng cách nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; rút ngắn thời gian bệnh nhân phải chờ đợi...

Và cuối cùng, mỗi người nên thay đổi thói quen mua - bán thuốc tùy tiện. Đây vừa là lợi ích của bản thân, vừa là trách nhiệm với xã hội để bảo đảm sức khỏe của mỗi người.

Minh Thúy