“Không có lửa làm sao có khói”
Góc nhìn - Ngày đăng : 12:29, 06/03/2020
Kết quả nghiên cứu thường niên về Chỉ số văn minh trực tuyến toàn cầu của Microsoft (DCI) công bố hồi trung tuần tháng 2 vừa qua, nhân Ngày quốc tế An toàn Internet (11-2), đã chỉ ra nước ta nằm trong top 5 quốc gia ứng xử kém văn minh trên Internet, theo thứ tự gồm Nam Phi, Peru, Columbia, Nga và Việt Nam.
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, cộng đồng mạng nước ta đã có không ít phản ứng. Khá nhiều ý kiến cho rằng cuộc khảo sát này chỉ thực hiện ở 25 quốc gia và chỉ có 500 người Việt Nam tham gia, vì thế mà có phần phiến diện, thiếu chính xác, không khoa học… Nhưng, như người ta vẫn nói: "Không có lửa làm sao có khói”, nếu bình tĩnh suy xét, sẽ thấy việc Việt Nam nằm trong top “đội sổ” về ứng xử kém văn minh trên môi trường trực tuyến không phải là không có lý.
Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 58 triệu người dùng mạng xã hội. Không thể phủ nhận tính tích cực, tiện ích như thúc đẩy thương mại điện tử, chia sẻ thông tin, giải trí, kết bạn... trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng cũng mang đến khá nhiều phiền toái, hệ lụy. Do tính năng mở, “ảo”, “không biên giới”, tốc độ kết nối nhanh mà các hành vi nói xấu, phát ngôn thù địch, kỳ thị, tục tĩu làm tổn hại đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân, rồi tin đồn, tin giả… ngày càng tràn lan, khó kiểm soát. Những thông tin độc hại, thất thiệt, ứng xử kém văn minh lây lan trên mạng xã hội làm xói mòn nền tảng đạo đức, gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, gây nhiễu loạn trật tự xã hội.
Có thể nói, nạn “fake news” (tin giả) “ăn theo” dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng điển hình, mới nhất cho mặt trái của mạng xã hội ở nước ta. Mấy ngày trước, trên mạng xã hội Facebook lan truyền câu chuyện về một nhân vật được cho là Chánh Văn phòng Bộ Y tế đã cảnh báo “Hà Nội có nguy cơ bùng lây lan dịch vào tuần sau, mọi người không ra các quán xá, chỗ đông người, trung tâm thương mại…”. Cùng thời điểm, trên Facebook cũng xuất hiện thông tin về một ca tử vong tại Bệnh viện 115 TP Hồ Chí Minh “nghi do nhiễm vi rút corona”! Các cơ quan có thẩm quyền đã khẳng định đó là những “fake news” nhưng những thông tin đồn thổi vô căn cứ này vẫn lan truyền, kéo theo không ít bình luận trái chiều, ác ý. Một ví dụ mới nữa: Ngày 2-3 vừa qua, Công an Thành phố Cần Thơ cho biết đang điều tra, xử lý vụ việc một thanh niên sinh năm 1992 đã giả mạo công văn của UBND thành phố này về việc tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, sau đó đăng lên mạng xã hội với mục đích... cho vui!
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, lan rộng trên thế giới (dù vẫn được kiểm soát khá tốt ở nước ta) thì sự bùng phát của nạn tin giả, thông tin thất thiệt kèm theo những phát ngôn sai trái, tùy tiện, ác ý trên mạng cũng giống như một chủng vi rút độc hại reo rắc sự hoang mang, lo lắng, hoài nghi trong dư luận, gây tổn hại về vật chất và tinh thần cho xã hội.
Mặc dù chúng ta không thiếu nỗ lực, quyết tâm trong việc xử vi phạm - đơn cử trong khoảng thời gian từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay đã có hàng chục trường hợp “ăn không nói có” trên mạng bị cơ quan chức năng xử lý, trong đó có cả một số nghệ sĩ, doanh nghiệp, thế nhưng chừng ấy là chưa đủ. Để dẹp nạn đưa tin thất thiệt, tin giả trên mạng, cần có chế tài cứng rắn, đủ sức làm chùn tay các “anh hùng bàn phím”. Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề nằm ở ý thức của người sử dụng mạng xã hội. Vì thế, dư luận vẫn đang chờ đợi sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng, và hy vọng Bộ Quy tắc này sẽ giúp người sử dụng mạng xã hội ý thức được việc nên và không nên làm, qua đó góp phần hình thành một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh.