Chế biến thực phẩm trong mùa dịch Covid-19

Xã hội - Ngày đăng : 15:46, 06/03/2020

Hỏi: Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết việc chăm sóc dinh dưỡng và bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần phòng, chống Covid-19. Vậy, xin hỏi chuyên gia, việc chế biến thực phẩm cần bảo đảm các biện pháp gì để ngăn ngừa Covid-19? (Nguyễn Thị Hải Yến - 34 tuổi, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Đáp: Để phòng, chống dịch Covid-19, mọi người cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; quan tâm đến việc vệ sinh nhà ở, nơi làm việc; hạn chế đi đến các vùng có dịch bệnh. Khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở, tức ngực... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và nhận tư vấn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện một số biện pháp cụ thể về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cụ thể, các bà nội trợ nên sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ. Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm. Để tránh mang mầm bệnh về nhà, ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống phải rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn.

Trong quá trình chế biến thực phẩm tại nhà, nên sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm. Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để bảo đảm tiêu diệt các mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn... Các thực phẩm khác cũng luôn nấu chín để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm.

Ngoài ra, không nên sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm vi rút, vi khuẩn qua đường ăn uống. Trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa, muỗng, đũa riêng để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa, muỗng, đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến