Thế giới chung tay loại bỏ thông tin sai lệch về dịch Covid-19
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 06/03/2020
Đầu tháng 2, xuất hiện tràn lan thông tin trên Facebook tại Anh về việc mạng viễn thông 5G là “thủ phạm” gây ra dịch Covid-19. Thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, với lập luận cho rằng hành khách trên du thuyền Diamond Princess bị nhiễm Covid-19 là do sử dụng mạng 5G. Cũng tại thời điểm đó, muôn vàn lời đồn thổi vô căn cứ về nguồn gốc của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện tràn lan trên mạng internet, cho rằng đây là hệ quả từ chương trình phát triển vũ khí sinh học của một số cường quốc. Thậm chí, có ý kiến cho rằng Covid-19 xuất phát từ món súp dơi hoang dã...
Ngày 25-1, đoạn video trên YouTube tuyên bố rằng đã có 90.000 người bị nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, dù tới nay (tức là hơn một tháng sau), quốc gia đông dân nhất thế giới mới chỉ ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm. Người dùng ở nhiều nước châu Á và châu Phi đã nhận được tin nhắn qua WhatsApp (thuộc Facebook), trong đó khuyến khích việc sử dụng tỏi, nước muối, trà… để tự chữa trị Covid-19 mà không cần tới cơ sở y tế hoặc thực hiện các biện pháp cách ly phiền toái. Từ những lời khuyên vô căn cứ này, công tác phòng, chống dịch trên thế giới ngày càng khó khăn.
Đáng ngại hơn, nhiều người đã lợi dụng Covid-19 để đơm đặt thông tin xấu, gây kỳ thị người gốc Á, thậm chí kích động chống lại chính quyền ở một số nước. Tuần qua, cộng đồng mạng thêm một phen "dậy sóng", hoảng sợ trước thông tin cho rằng chính phủ một số nước sẽ thẳng tay "tiêu diệt" những bệnh nhân nhiễm Covid-19 để dập dịch. Một số nguồn tin giả còn đưa ra hình ảnh vệ tinh cho thấy sự dư thừa lưu huỳnh trong không khí, để thuyết phục người khác tin rằng một số nước đang đốt xác những người bị nhiễm Covid-19. Ngay sau đó, thông tin này đã bị cơ quan Hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) phủ nhận.
Các chuyên gia nhận định, lý do khiến người dùng hoang mang trước hết nằm ở sự thiếu hụt thông tin liên quan đến vi rút SARS-CoV-2 và do tiếp cận nguồn thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Điều này vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, thậm chí gây rối loạn xã hội. Cũng vì những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội mà tại nhiều quốc gia, người dân đã đổ xô đến các siêu thị để mua hàng chuẩn bị cho “ngày tận thế”...
Để đối phó, các mạng xã hội đã có những động thái mạnh tay xử lý thông tin sai lệch về Covid-19. Facebook, Twitter, TikTok, Instagram… đều có những biện pháp khác nhau để lọc nội dung sai, ưu tiên phát tán những nội dung đúng, hỗ trợ lan tỏa những thông điệp chính thức từ các tổ chức uy tín (như Tổ chức Y tế thế giới - WHO). Thậm chí, Facebook còn trưng dụng một mạng lưới các chuyên gia để liên tục kiểm chứng thông tin do người dùng đăng tải có nội dung liên quan tới dịch bệnh. Mạng xã hội này cũng kiểm duyệt toàn bộ quảng cáo trên chợ điện tử Marketplace của mình, xóa đi những bài viết cố tình tạo ra tình trạng khan hiếm, cháy hàng giả đối với đồ bảo hộ và thiết bị y tế. Chưa dừng ở đó, Facebook và một số mạng xã hội còn cung cấp miễn phí gói quảng cáo cho WHO và một số tổ chức có uy tín tại các vùng dịch, qua đó hỗ trợ giáo dục kiến thức phòng dịch trong cộng đồng.
Bên cạnh cuộc chiến trên mạng xã hội, các công ty công nghệ cũng có những động thái tích cực khác nhằm hạn chế tác động tiêu cực của luồng thông tin sai lệch. Điển hình, Google đã triển khai cơ chế cảnh báo khẩn cấp (SOS Alert) trên công cụ tìm kiếm. Cơ chế này sắp xếp lại toàn bộ kết quả tìm kiếm để cung cấp tới người dùng những tin tức mới và đúng nhất liên quan tới Covid-19. Google cũng chủ động đưa thêm các khuyến nghị, hướng dẫn và thông tin chính thức từ WHO trong các sản phẩm và dịch vụ của mình. Ngoài ra, nhiều nền tảng thương mại điện tử đã tăng cường loại bỏ các loại quảng cáo hứa hẹn chữa trị Covid-19 hoặc bán những sản phẩm giúp tiêu diệt vi rút SARS-CoV-2 mà chưa có kiểm chứng của cơ quan y tế.
Có thể thấy, cùng với những nỗ lực trong phòng chống, điều trị dịch Covid-19, việc cộng đồng chung tay loại bỏ những luồng thông tin sai lệch về dịch bệnh là điều hết sức cần thiết. Các chuyên gia cảnh báo, trong một thế giới phẳng, người dân cần thực sự tỉnh táo, chủ động tìm kiếm tới những nguồn tin đáng tin cậy, có kiểm chứng, qua đó trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để vừa tự bảo vệ bản thân, vừa bảo vệ cộng đồng.n