Hà Nội: Hàng hóa đầy ắp, không còn cảnh chen mua tích trữ

Kinh tế - Ngày đăng : 21:14, 07/03/2020

(HNMO) - Sáng nay, ngay sau khi xuất hiện tình trạng người dân đổ đến các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tạp hóa để mua sắm các mặt hàng thiết yếu nhằm tích trữ, Chính phủ, Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội khẳng định, đã bảo đảm đầy đủ lượng hàng hóa để phục vụ nhân dân. Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối tăng mạnh nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Trước những cố gắng, nỗ lực của bộ, ngành và thành phố, chiều nay, tình hình thị trường Hà Nội đã bình ổn trở lại.

Các quầy hàng của siêu thị Vinmart tại Times City chiều tối nay rất dồi dào hàng hóa. Ảnh: V. Hà

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số siêu thị lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội trong chiều nay, lượng hàng hóa từ thịt, cá, rau, củ quả, gạo, dầu ăn… rất dồi dào, gần như đầy các quầy kệ; lượng khách đã giảm, không còn tình trạng chen nhau mua thực phẩm như buổi sáng. 

Nhân viên siêu thị Tmart bổ sung hàng. Ảnh: Thanh Hương

Tại siêu thị Big C Thăng Long và siêu thị Big C Long Biên, lượng hàng hóa rất phong phú, người tiêu dùng có thể lựa chọn tùy số lượng theo nhu cầu. Chị Vũ Thị Hằng (ở số 64/94 phố Đức Giang, quận Long Biên) đang mua sắm tại  BigC Long Biên cho biết, lượng hàng hóa dồi dào nên chị không phải vất vả chọn hàng. Biết đây là siêu thị lớn có nguồn hàng dồi dào nên chị chỉ mua lượng thịt cá, rau củ vừa đủ dùng trong 2-3 ngày tới. Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, nhân viên bán hàng ở Big C Thăng Long cho biết, từ sáng siêu thị bán rất nhiều mì tôm, các nhu yếu phẩm khác như thịt, cá, rau... nhưng chưa bao giờ Big C hết hàng. 

Có mặt tại siêu thị Tmart (72 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) vào chiều tối 7-3, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận quang cảnh khác hẳn buổi sáng cùng ngày khi số người đến mua đã giảm mạnh. Lượng hàng tại siêu thị vẫn còn khá nhiều. Những mặt hàng sắp hết tiếp tục được nhân viên của siêu thị bổ sung. Chị Nguyễn Thị Hoa (ngõ 85 Lĩnh Nam) cho biết, gia đình vừa hết dầu ăn nên chị đi mua. Mặt hàng này tại siêu thị vẫn còn rất nhiều, giá ổn định chứ không tăng.

Siêu thị Mega Market Hà Đông, các gian hàng khá vắng khách. Ảnh: Thu Hằng

Tại siêu thị Mega Market Hà Đông, các gian hàng khá vắng khách. Khu quầy bán thịt các loại, hàng hóa dồi dào nên người dân thoải mái lựa chọn. Anh Đỗ Đức Hùng (ở phường Phú La) cho biết: "Gia đình tôi thường xuyên mua hàng tại siêu thị này. Hôm nay, tôi đi mua thấy hàng hóa bán tại đây vẫn dồi dào, không khan hiếm như một số thông tin trên mạng xã hội".

Còn tại cửa hàng tiện ích Vinmart+ ở khu chung cư New Horizon (87 Lĩnh Nam) hàng hóa phong phú, dồi dào với nhiều chủng loại như gạo, giấy ăn, trứng, bột canh… Lượng người vào mua tại siêu thị này cũng không nhiều. Cửa hàng không những giữ ổn định giá bán hàng hóa mà còn đang thực hiện giảm giá đối với một số mặt hàng. Chẳng hạn, trứng gà còn 22.900 đồng/hộp 10 quả thay vì 25.600 đồng/hộp như trước, táo Rockit giảm từ 122.500 đồng/hộp xuống 98.500 đồng/hộp, ổi lê giá 15.900 đồng/kg thay vì 22.600 đồng/kg; thịt lợn xay giảm từ mức 43.5000 đồng/khay xuống 39.000 đồng/khay. Tại một siêu thị Vinmart+ khác ở số 44-46 phố Kiều Mai, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) đến 18h30 ngày 7-3, các mặt hàng vẫn bày bán phong phú. Theo chị Bùi Thị Phương, nhân viên siêu thị cho biết, ngày mai tất cả các mặt hàng sẽ tiếp tục nhập về để phục vụ người tiêu dùng.

Cửa hàng Hạnh Thành khẳng định giá cả giữ nguyên như những ngày trước đó

Trong khi đó, tại đại lý Hạnh Thành bán bánh kẹo, lương thực, thực phẩm thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, khách hàng đến mua sắm hàng hóa không đông. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng cho biết: Hiện tại các mặt hàng bán tại đại lý vẫn dồi dào, giá cả giữ nguyên như những ngày trước đó. Thông tin cho rằng các đại lý găm hàng, đẩy giá lên cao là hoàn toàn sai sự thật.

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Vùng Hà Nội, siêu thị Big C cho biết: “Hệ thống siêu thị Big C luôn lường trước tình huống nhu cầu mua sắm tăng lên, do đó lượng dự trữ hàng hóa đã tăng gấp 3-4 lần. Ngay hôm nay chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, đồng thời tăng cường nhân viên làm việc tối đa, thậm chí làm thêm giờ cả ban đêm. Chúng tôi cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu; bảo đảm đủ hàng cung cấp trong vài tuần tới, phục vụ nhu cầu khách hàng”. 

Tham gia cuộc họp khẩn về đảm bảo cung ứng hàng hoá chiều 7-3 của Bộ Công Thương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc sáng 7-3 nhiều người dân đổ tới các siêu thị tại Hà Nội mua đồ tích trữ chỉ là hiện tượng cục bộ khi tâm lý người dân hoang mang trước thông tin Hà Nội có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Bà Trần Thị Phương Lan một lần nữa khẳng định: “Hà Nội cam kết đủ hàng, không ngày nào thiếu để người dân phải dự trữ".

Siêu thị Big C hàng hóa rất phong phú, người tiêu dùng có thể lựa chọn tùy số lượng theo nhu cầu.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ngay trong ngày 7-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm cung cấp đủ hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và cửa hàng ở Hà Nội, không để thiếu hàng hóa. Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, nâng giá trái pháp luật. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo, thực phẩm cho các đại lý bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu hệ thống các đại lý bán lẻ mở cửa bán gạo đến 23h hằng ngày để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.

Chị Nguyễn Thanh Bình, tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân): "Chiều nay, lượng người mua không nhiều như buổi sáng, khách hàng chỉ mua lượng thịt đủ ăn bữa chiều hoặc 2 - 3 bữa, chứ không mua số lượng lên đến hàng cân thịt nữa. Mặc dù sáng nay thấy nhu cầu tăng cao nhưng buổi chiều, tôi cũng chỉ dám lấy thêm 10kg so với mọi ngày".

Đến 19h, quầy thịt của chị vẫn còn hàng. Chị Bình cho biết, hôm  nay chị vẫn sẽ dọn hàng như thường lệ, khoảng 19h30.

Chị Đỗ Thị Thanh Hường, bán hàng khô tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân): "Sáng nay, mặt hàng tôi bán được nhiều nhất là lạc, bánh đa, phở khô, cá khô, trứng. Vì đồ khô phải bảo quản tốt mới không bị mốc nên tôi cũng không tích trữ hàng, bán đến đâu lấy hàng đến đó".

Buổi chiều, chị Hường có nhập hàng mới, giá tăng hơn mọi ngày nhưng lượng khách đến mua đã giảm nhiều so với buổi sáng. Lượng hàng bán ra trong chiều nay cũng chỉ bằng mức của những ngày trước.

Chị Ngô Thị Duyên, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Duyên Hải (39 phố Nhân Hòa): "Sáng nay, lượng khách hàng đến đông hơn bình thường, lượng hàng tôi bán ra cũng gấp đôi ngày thường. Tôi cũng khuyên mọi người bình tĩnh để lựa chọn được những sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đừng mua lấy được theo tâm lý đám đông. Mua nhiều thực phẩm mà không bảo quản đúng cách thì thức ăn cũng không ngon".

Chị Trần Thị Thanh Thủy, người mua hàng ở chợ Thành Công (quận Ba Đình): "Chiều nay, tại chợ Thành Công, mặt hàng thịt các loại rất nhiều và phong phú. Giá có tăng nhẹ một chút, như thịt lợn tăng từ 150.000 đồng/kg lên 170.000 đồng/kg. Rau xanh và hoa quả cũng không thiếu, nên tôi nghĩ mọi người không phải lo tích trữ thực phẩm".

Thu Hằng - Vĩnh Hà - Thanh Hương