Rộng đường cho điện ảnh Việt bước ra thế giới
Giải trí - Ngày đăng : 07:26, 08/03/2020
Những chuyển động tích cực
Cùng với điện ảnh châu Á, thời gian qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ trên con đường hội nhập. Trong năm 2019, nhiều phim Việt Nam được công chiếu tại các quốc gia trên thế giới và đoạt giải thưởng ở những liên hoan phim uy tín. Cụ thể, cùng thời điểm phát hành tại Việt Nam, phim “Hai Phượng” (đạo diễn Lê Văn Kiệt) cũng có mặt tại hệ thống rạp ở Mỹ và Canada. Bộ phim hành động - võ thuật về hành trình của một bà mẹ trẻ lao vào hiểm nguy để tìm lại cô con gái bị bắt cóc, nhận được phản ứng tích cực của khán giả quốc tế. Sau đó, phim được chiếu tại Trung Quốc, đồng thời lên hệ thống Netflix - dịch vụ phát hành phim trực tuyến hàng đầu thế giới, đến với khán giả hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác…
Một lối đi hội nhập khác, thường thấy với các phim mang tính nghệ thuật, là đưa tác phẩm tham gia các liên hoan phim quốc tế. Sau “Cha cõng con”, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng đã hoàn thiện phim “Thành phố ngủ gật” và đưa đi "chinh chiến" tại nhiều liên hoan phim trên thế giới. Các phim “Bí mật của gió”, “Anh trai yêu quái”, “Thưa mẹ con đi”, “Bắc kim thang” cũng gây ấn tượng tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc).
Thành công ở các giải thưởng điện ảnh trong nước, như: Bông sen vàng (Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI), Cánh diều bạc (Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam), “Song lang” - bộ phim về nghệ thuật cải lương Nam Bộ trong bối cảnh hiện đại, tiếp tục tham dự hàng chục liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới và thu về hơn 40 giải thưởng.
Bên cạnh đó, phim ngắn của những nhà làm phim trẻ nước ta cũng đã có một số thành công nhất định trên trường quốc tế, mở ra những cơ hội hợp tác thực hiện dự án điện ảnh lớn hơn. Tiêu biểu là “Một khu đất tốt” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) giành giải cao nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại Liên hoan phim ngắn quốc tế Vienna (Áo) - 2019; phim “Hãy thức tỉnh và sẵn sàng” (đạo diễn Phạm Thiên Ân) giành giải Phim ngắn xuất sắc tại chương trình “Tuần lễ đạo diễn” trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp) 2019...
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nước ta đang hội nhập mạnh mẽ, lại có bề dày văn hóa đặc sắc. Sự hòa trộn, giao thoa những yếu tố ấy tạo nên nét độc đáo của điện ảnh Việt Nam mà các quốc gia khác rất muốn tìm hiểu, thưởng thức. Những phim có thể chinh phục khán giả quốc tế đều khám phá chiều sâu tinh thần con người Việt Nam đang vươn lên đồng hành cùng bè bạn quốc tế.
Hướng đến tính toàn cầu
Để có được “Ký sinh trùng” hay “There is no evil” đoạt các giải thưởng danh giá quốc tế, điện ảnh Hàn Quốc và Iran đã có nhiều năm chuẩn bị, xây dựng và bồi đắp. Mỗi năm, họ đưa hàng trăm bộ phim tham gia các liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ và dần tiến tới những giải thưởng lớn. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn và đầy triển vọng. Song, con đường hội nhập của điện ảnh Việt Nam vẫn còn chặng đường khá dài.
Trước hết về đề tài, nội dung, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, ông đã nhiều lần đưa phim đến các nhà phát hành quốc tế và không ít phim bị đánh giá là khó hiểu. Theo vị đạo diễn này, muốn phim được cộng đồng quốc tế đón nhận, thì phải chọn những vấn đề, mối quan tâm chung của toàn xã hội, không đi sâu vào những đề tài, tình huống, khúc mắc riêng tư.
“Một bộ phim “xuất khẩu” được phải có tính toàn cầu, tức là đề cập đến những vấn đề ai cũng có thể tiếp cận, như tình yêu, thù hận, chiến tranh, gia đình…”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Phần khẳng định. Điều này cũng lý giải vì sao “Hai Phượng”, “Cha cõng con”… với đề tài về tình mẫu tử, phụ tử có thể trụ rạp quốc tế thành công và hiện vẫn đang được nhiều quốc gia mua bản quyền công chiếu.
Là đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất hướng mạnh đến thị trường quốc tế, nghệ sĩ Ngô Thanh Vân đưa ra những tiêu chí rạch ròi để phim Việt tiếp cận khán giả nước ngoài. Đó là câu chuyện kịch bản đơn giản, dễ hiểu, mang tính toàn cầu, nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam, nhằm tạo sự tò mò, mong muốn khám phá nơi khán giả. Bên cạnh đó, phim phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế từ diễn xuất, bối cảnh, đến kỹ xảo, âm nhạc…
Về những điểm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, người theo dõi điện ảnh lâu năm, gợi mở: “Muốn tiến gần đến các nền điện ảnh phát triển, trước mắt chúng ta phải giao lưu, học hỏi hoặc phối hợp giữa các nền điện ảnh, mời các đạo diễn, nhà quay phim, nhạc sĩ quốc tế… cùng tạo nên một bộ phim vừa đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa đặc sắc, khác biệt”. Tôi đánh giá cao mô hình của phim “578” chuẩn bị khai máy của đạo diễn Lương Đình Dũng hay phim “Thanh Sói” mà nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đang thực hiện, đều có sự hợp tác với các nền điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ…”.
Ở góc nhìn rộng hơn, theo Nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim Lý Thái Dũng, muốn hội nhập toàn diện và có hệ thống, điện ảnh Việt Nam cần được đầu tư đồng bộ trên nhiều lĩnh vực như nhân lực, máy móc, trang thiết bị, công nghệ, bối cảnh, hệ thống phát hành…, nhằm đưa điện ảnh trở thành ngành Công nghiệp, mỗi bộ phim là một sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, các nhà làm phim sẽ tập trung vào nội dung, chủ đề và phương pháp thể hiện, để tạo nên những tác phẩm bứt phá trên trường quốc tế.