Phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh: Cách ly nghiêm túc, hàng hóa dồi dào
Đời sống - Ngày đăng : 10:02, 08/03/2020
Kiểm soát chặt chẽ các trường hợp cách ly
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến sáng ngày 8-3, toàn thành phố có 340 người đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung của thành phố.
Số người cách ly tại các điểm cách ly của quận, huyện là 269 người. Số người cách ly tại nhà, nơi cư trú là 569 người.
Đặc biệt, các ban, ngành chức năng của thành phố đã tìm đủ 20 người (gồm 4 người Việt, 15 người nước ngoài và 1 Việt kiều) từng bay cùng bệnh nhân thứ 17 từ Anh về Việt Nam, hiện đang cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, và đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, phụ trách Trung tâm cách ly của quận cho biết, người dân thuộc diện phải cách ly rất hợp tác với cơ quan chuyên môn.
“Thậm chí, có trường hợp chị Lim Kyong Suk từ Hàn Quốc đến, nhưng không phải từ tâm vùng dịch Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, nên chỉ cách ly tại nhà. Tuy nhiên, chị đã tự nguyện xin vào cách ly tập trung để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Khanh nói.
Không khan hiếm hàng hóa
Trước tình trạng một số người dân mua tích trữ hàng hóa do lo ngại dịch Covid-19, ngành Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra khuyến cáo, các ban, ngành chức năng đã chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng, các phương án bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm trong mọi cấp độ của dịch. Người dân không cần mua dự trữ.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn thành phố như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, LotteMart, BigC, AEON Mall.
Theo đó, các hệ thống này khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố đến hết quý II-2020 và sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng trong 6 tháng cuối năm.
“Người dân có thể sử dụng các hình thức mua bán, thanh toán trực tuyến và nên lựa chọn những nhà cung cấp uy tín”, bà Nguyễn Huỳnh Trang nhấn mạnh.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong tối 7-3 và sáng 8-3 tại các siêu thị Mega Market (quận 2), Co.opMart (quận 1) và LotteMart (quận 7)…, hàng hóa tràn ngập, giá cả không tăng. Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của hệ thống Mega Market cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm trị giá 1.200 tỷ đồng để đưa ra thị trường”.
Tại Trung tâm thương mại Vivo (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7), chị Đỗ Thu Hà, ngụ tại huyện Nhà Bè, đi mua sắm, cho biết, rất dễ dàng để mua các loại hàng hóa thiết yếu vào lúc này. “Tôi không thấy mặt hàng nào bị thiếu cả. Mọi thứ có rất nhiều, sao phải mua dự trữ?”, chị Thu Hà nói.