Khai thác thị trường lao động Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực: Tất cả cùng vào cuộc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 08/03/2020
Cơ hội và thách thức song hành
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, những cam kết về lao động được quy định tại Điều 3, Chương 13 về thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA. Theo đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với tạo việc làm bền vững cho tất cả mọi người; đồng thời phê duyệt, thực hiện nghĩa vụ, quy định của các Công ước cơ bản do Tổ chức Lao động quốc tế đưa ra như: Loại bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ phân biệt, đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, bãi bỏ lao động trẻ em… Những cam kết về lao động được thực thi sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng, Hiệp định EVFTA sẽ làm gia tăng khoảng 146.000 vị trí việc làm tại Việt Nam mỗi năm, tập trung vào các ngành như dệt may, da giày, nội thất… “Đây là những ngành thị trường lao động Việt Nam có thế mạnh, nên người lao động sẽ có thêm cơ hội việc làm”, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự của Tập đoàn Manpower tại Việt Nam đánh giá.
Trong khi đó, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) dự báo, trong tương lai gần, lực lượng lao động ở nước ta tăng nhanh ở những ngành như: Khai khoáng với mức tăng khoảng 3,41%/năm; vận tải đường thủy (3,7%/năm); dệt may (1,53%/năm)…
Sự gia tăng về cơ hội việc làm đã thấy rõ, song các dự báo cũng cho thấy, đại đa số việc làm mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, tay nghề, nghiêm túc chấp hành kỷ luật mới đáp ứng được yêu cầu công việc. “Các doanh nghiệp châu Âu cần nhiều lao động có kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho hay.
Trên thực tế, lực lượng lao động ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo báo cáo đánh giá xu hướng lao động và xã hội Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố, đến cuối năm 2019, mới có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021. Những ngành được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực lại tập trung nhiều lao động phổ thông, dễ mất việc làm do máy móc sẽ thay thế…
“Người lao động có thêm những cơ hội việc làm, nhưng đi liền với đó là thách thức phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường làm việc, quan hệ lao động”, bà Chử Thị Lân, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Điều kiện lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.
Dưới góc độ của một sinhviên sắp ra trường, Huỳnh Ngọc Hưng (Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) - đang học thực hành tại Công ty Honda Việt Nam, bày tỏ: “Ý thức được những đòi hỏi mới của thị trường lao động, em đã nỗ lực ngay khi ngồi trên ghế giảng đường và đã được một số doanh nghiệp mời về làm việc. Song nếu không ngừng nâng cao tay nghề, học hỏi, cơ hội sẽ vuột khỏi tầm tay".
Thay đổi mạnh mẽ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để tận dụng những cơ hội việc làm do Hiệp định EVFTA mang lại, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng, tất cả các bên liên quan phải cùng vào cuộc, chung tay xây dựng, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc; đồng thời chủ động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ở góc độ công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Đề án “Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; đồng thời yêu cầu công đoàn cơ sở động viên, khích lệ người lao động trong thay đổi thói quen, tác phong công nghiệp, tuân thủ ý thức tuân thủ kỷ luật…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho hay, các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, ngành, nghề, trên cơ sở tôn trọng và coi người lao động là “tài sản” quý giá nhất. Còn ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Việt Nam khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, cụ thể hóa các quy định pháp luật cho phù hợp với cam kết về lao động theo Hiệp định EVFTA.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) kiến nghị các ngành, địa phương quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nhân rộng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động…
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cần thay đổi cách thức đào tạo, sắp xếp lại hệ thống các trường nghề, thu gọn đầu mối, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, thiết bị học tập cho học viên.
Về phần mình, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đang chủ động, tích cực kết nối với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để liên kết đào tạo, đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề thị trường lao động đang cần. Bộ cũng ban hành các quy chế hợp tác song phương giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các bên chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...