Bài 7: Một số bài học kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 06:55, 08/03/2020
1. Luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc” trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Thủ đô.
Tin ở dân, chăm lo cho dân, “dân là gốc” là bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, những đảng viên thuộc Đảng bộ Hà Nội luôn bám sát dân, lăn lộn trong phong trào cách mạng của quần chúng, đồng cam cộng khổ, thậm chí hy sinh cả tính mạng, thể hiện là những người con của nhân dân. Nhờ vậy đã tập hợp, hướng dẫn, động viên nhân dân một lòng đi theo cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền từ tay Nhật - Pháp, giải phóng Thủ đô và chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong hòa bình, không ít cán bộ, đảng viên tận tụy, ngày đêm trăn trở, suy nghĩ, hành động vì hạnh phúc của nhân dân, được quần chúng tôn trọng, tín nhiệm và yêu mến.
Thực tiễn khẳng định, nếu gần dân, nghe dân, học dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân thì tổ chức Đảng có sức mạnh; xa dân, thiếu học hỏi dân, thiếu tôn trọng dân thì tổ chức Đảng sẽ suy yếu. Lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ Hà Nội 90 năm qua thể hiện rõ điều đó. Cũng chính xuất phát từ quan điểm “dân là gốc” nên dù tình hình có khó khăn đến đâu, nếu được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhiệt tình tham gia các phong trào cách mạng thì mọi khó khăn sẽ được khắc phục. Hơn nữa, dù có lúc Đảng bộ mắc sai lầm, khuyết điểm nhưng nếu được nhân dân hiểu và thông cảm, lại biết tự phê bình và phê bình, quyết tâm sửa chữa thì Đảng bộ sẽ nhanh chóng củng cố và nâng cao vai trò, uy tín của mình. Đây là bài học mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Để phát huy bài học “dân là gốc”, hơn lúc nào hết, Đảng bộ Hà Nội cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Việc tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân cần được thể hiện bằng cách hướng dẫn, tạo cơ chế để nhân dân phát huy đầy đủ quyền làm chủ, thực hiện nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi chính đáng...
2. Phát huy cao độ tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Thủ đô.
Thực tiễn đã minh chứng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Thủ đô đã hết sức, hết lòng vì cả nước. Trong thời kỳ đổi mới, tiếp tục thực hiện phương châm “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Thủ đô Hà Nội đã mở rộng liên kết với các địa phương trong cả nước. Thành quả to lớn của Hà Nội đạt được những năm qua là hình ảnh sống động của sự “đồng tâm nhất trí góp sức” của Trung ương và các địa phương để Thủ đô ngày càng “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như lời Bác Hồ căn dặn lúc sinh thời.
Nhấn mạnh vấn đề này, phát biểu tại Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2015-2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải làm sao tranh thủ được thời cơ, vượt qua thử thách, chung sức, đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện xuất sắc lời căn dặn của Bác Hồ, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo đó, Hà Nội là địa phương đi đầu với nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, được Trung ương đánh giá cao. Thực tiễn hoạt động phong phú, sinh động cùng kinh nghiệm quý của thành phố là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà nước đúc kết, nhân rộng nhiều chủ trương lớn ra phạm vi toàn quốc. Với ý nghĩa đó, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” trong tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Thủ đô là bài học cần được Đảng bộ Hà Nội vận dụng sáng tạo trong giai đoạn cách mạng mới.
3. Luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng sau đó, quân dân Thủ đô đã bảo vệ cơ quan Trung ương và thành phố rút lên Việt Bắc an toàn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù. Kinh nghiệm ấy tiếp tục được phát huy trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27-1-1973), tạo thời cơ chiến lược cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ mới, những thách thức trên con đường phát triển của thành phố hết sức to lớn. Đó là tình trạng úng ngập, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, xử lý rác và nước thải… An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định; tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái, nhũng nhiễu, quan liêu, lãng phí còn tồn tại ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, vừa cản trở sự phát triển chung, vừa gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Tuy nhiên, với tinh thần luôn vượt qua khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, từ năm 2008 đến nay, Thủ đô đã có sự phát triển vượt bậc, toàn diện về tất cả các lĩnh vực.
Giai đoạn 2008-2017, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định ở mức cao. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố tăng 7,62%, cao nhất 10 năm qua. Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt gần 8,5 tỷ USD, năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước và cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa hội nhập.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, nhân dân Hà Nội luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức để đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển Thủ đô. Bài học kinh nghiệm này có ý nghĩa hơn khi Đảng bộ Hà Nội đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, qua đó tiếp tục đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, xây dựng Thủ đô phát triển xứng đáng với vị trí và tiềm năng vốn có.
4. Chú trọng xây dựng Đảng bộ Hà Nội trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng.
Thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm mọi thành công của sự nghiệp cách mạng ở Thủ đô. Thực tế chỉ ra rằng, phải làm cho tất cả cán bộ, đảng viên từ thành phố đến các chi bộ; từ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến mỗi đảng viên bình thường nhận thức được tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Đặc biệt là những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Hà Nội quan tâm trên cơ sở thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những bài học quý rút ra từ đây cần tiếp tục được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trên mọi mặt đời sống xã hội.
Cũng chính nhờ đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra. Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.358,9km2, dân số trên 8 triệu người, chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng đóng góp tới trên 19% GDP và gần 19% thu ngân sách của cả nước. Đảng bộ ngày càng lớn mạnh với hơn 44 vạn đảng viên, chiếm 10% tổng số đảng viên cả nước, là đảng bộ lớn nhất cả nước.
... Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn sẽ được viết tiếp trên hành trình dài vô tận, nhưng truyền thống tiên phong - cách mạng - bản lĩnh - trí tuệ - đoàn kết được đúc kết từ quá trình Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển Thủ đô sẽ sống mãi. Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ cần chắt lọc, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đó để vận dụng vào quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và hợp tác quốc tế của đất nước, là hình ảnh thân yêu trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
(Còn nữa)