Người hùng chống “đinh tặc”

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 09/03/2020

(HNM) - Bất chấp sự đe dọa của những kẻ “đinh tặc”, hằng ngày anh Đinh Minh Cảnh vẫn kiên trì nhặt nhạnh từng chiếc đinh trên quốc lộ 1 để người đi đường không cán phải. Hơn 15 năm qua, hành động của anh được người dân địa phương cũng như những người thường xuyên đi trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh hết sức cảm kích. Nhiều người đã gọi anh là “người hùng”.

“Thành quả” sau khi anh Đinh Minh Cảnh hút đinh tại một đoạn trên quốc lộ 1.

Bất bình với nạn rải đinh

Cung đường quốc lộ 1, đoạn thuộc địa bàn huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh), cửa ngõ đi Đồng bằng sông Cửa Long, từng được xem là cung đường "hãi hùng" bởi rất nhiều người đi xe máy trên cung đường này đã trở thành nạn nhân của “đinh tặc”, trong đó không ít người bị nổ lốp xe, té ngã... Ông Châu Văn Tuân (ngụ tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) cho biết, ông đã từng bị nổ lốp xe và té ngã do cán đinh trên cung đường trên, rất may không bị chấn thương nặng.

Khoảng năm 2005, người dân địa phương bỗng thấy một thanh niên hằng ngày lúi húi nhặt đinh bằng tay trên cung đường trên. Cũng từ thời điểm đó về sau, số vụ xe máy bị cán đinh giảm dần. Người thanh niên đó tên là Đinh Minh Cảnh (sinh năm 1971, ở ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh).

Gần 5h sáng một ngày đầu tháng 3-2020, chúng tôi tìm đến cung đường trên để tận mắt chứng kiến công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của anh Đinh Minh Cảnh. Anh Đinh Minh Cảnh cho biết: “Mỗi ngày, tôi phải dậy từ 4h, để trước 5h có mặt tại quốc lộ 1, đoạn từ ngã tư Bình Điền, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đến đoạn gần giáp ranh huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tôi muốn trước khi bà con đi làm, đoạn đường phải sạch đinh”. Cũng theo anh Cảnh, bọn “đinh tặc” thường rải đinh vào giữa đêm, nên hút đinh vào rạng sáng để người dân lưu thông được an toàn.

Những ngày đầu tiên làm công việc này, anh Đinh Minh Cảnh phải nhặt đinh bằng tay. Công việc này giúp anh có “đôi mắt nhà nghề”, nhìn từ xa cũng phát hiện ra đinh, dù những mẩu đinh rất nhỏ, mỏng, cùng màu với nhựa đường. Việc nhặt đinh bằng tay của anh kéo dài tới gần 5 năm. “Sau đó tình cờ tôi nhặt được viên nam châm, đem về thấy hút vào sắt, thép. Từ đó, tôi mới nảy sinh ý tưởng hút đinh trên đường bằng nam châm. Tôi đi tìm mua loa cũ, tháo ra rồi gắn vào một thanh gỗ dài để rà đinh trên đường. Hút đinh bằng cách này mang lại hiệu quả hơn nhặt bằng tay, cũng đỡ tốn công sức”, anh Đinh Minh Cảnh chia sẻ.

Khoảng hơn 3 năm trước, anh Đinh Minh Cảnh nhận thấy việc hút đinh bằng loa vẫn không thể đáp ứng trước tần suất rải đinh của bọn “đinh tặc” và số lượng đinh dày đặc trên đường. Anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi từ “đồng nghiệp” ở các địa phương khác. Từ đó, anh sáng chế ra chiếc xe kéo, với 3 thanh nam châm dài được tích hợp trên tấm kim loại lớn để dễ dàng tác nghiệp và mang lại hiệu quả cao hơn.

Khoảng 5h30, sau khi tác nghiệp gần 6km của cung đường trên, anh Đinh Minh Cảnh dừng lại tại một cây xăng để “khoe” thành quả với chúng tôi. Gần 1kg đinh, mảnh thép nhọn được hút lên. "Hiện tôi giữ lại gần 150kg đinh để làm kỷ niệm. Số đinh này là “thành quả” chỉ sau 3 năm tôi hút đinh bằng loại xe kéo", anh Đinh Minh Cảnh cho biết.

Giúp người cũng là tự giúp mình

Anh Đinh Minh Cảnh cho biết, trước đây, bọn “đinh tặc” chủ yếu sử dụng cây đinh được bẻ cong. Sau này, bọn chúng thường sử dụng tấm thép mỏng, sau đó cắt thành hình thoi với 2 đầu sắc nhọn. “Với loại đinh này, gần như 100% xe máy chạy với tốc độ trung bình 60km/h, nếu cán phải đều bị thủng bánh xe”, anh Cảnh khẳng định. Điều đáng nói, loại đinh hình thoi khiến 100% xe máy cán phải đều phải thay săm (ruột bánh xe), khoảng 95% phải thay cả lốp (vỏ bánh xe).

Theo anh Đinh Minh Cảnh, loại đinh hình thoi rất bén, bén hơn cả dao. Khi đinh này đâm vào lốp sẽ rất sâu và cắt thành một đường dài 10-20cm. Với vết cắt này, các tiệm sửa xe từ chối vá. Do đó, người đi xe máy bị cán đinh buộc phải thay cả săm, nhiều trường hợp phải thay luôn lốp... Nói rồi, anh kể, có lần tận mắt chứng kiến một người phụ nữ đi xe máy, cán phải loại đinh trên, vào tiệm sửa xe bên đường vá, nhưng khi tháo ra, cả lốp và săm bị rách một đường dài. Chủ tiệm yêu cầu thay cả lốp và săm. Nhưng đến khi tính tiền, người phụ nữ tá hỏa vì chi phí gần 400.000 đồng. Sau khi vét hết tiền trong túi, còn thiếu 10.000 đồng nhưng chủ tiệm sửa xe kiên quyết không giảm giá, người phụ nữ này buộc phải cầm cố điện thoại di động để quay lại chuộc sau. “Thấy cảnh này, tôi càng có thêm động lực tiếp tục công việc chống “đinh tặc””, anh Đinh Minh Cảnh tâm sự.

Thời gian trước đây, cách hai, ba ngày bọn “đinh tặc” mới rải đinh một lần. Nhưng khoảng 4 năm nay, ngày nào bọn chúng cũng rải. Thủ đoạn rải đinh cũng ngày càng tinh vi hơn. Nếu như trước đây, chúng rải chủ yếu vào ban đêm và đi bằng xe máy. Còn hiện nay, chúng rải cả ban ngày với thủ đoạn nhét đinh vào đôi giày có mũi hoặc gót khoét lỗ. Khi chúng bước đi, đinh bắn ra đường. “Với thủ đoạn này, dù có gắn camera dày đặc trên đường cũng không thể phát hiện”, anh Đinh Minh Cảnh cho hay.

Anh Đinh Minh Cảnh cho biết, năm 2006, anh giữ được hai tên “đinh tặc” khi chúng đang rải đinh trên đường. Việc phát hiện bọn “đinh tặc” vô cùng khó khăn, phải “bắt quả tang” mới giữ được chúng. Bắt quả tang đã khó, giữ chúng càng khó hơn vì chúng rất manh động. Trong khi đó, người dân rất bức xúc, có thể gây sát thương cho chúng nên phải giữ an toàn trước khi giao cho công an. Từ đó tới nay, không còn ai bắt quả tang bọn rải đinh nữa vì chúng rất tinh vi. Tuy nhiên, sau đó vài lần anh bị một số người lạ mặt đạp ngã xe khi đang hút đinh trên đường.

Khi được hỏi, động lực nào khiến anh lại đi làm một công việc thầm lặng - hút đinh như vậy, anh Đinh Minh Cảnh chia sẻ: “Thời điểm mười mấy năm trước, thấy bà con đi xe máy bị cán đinh tôi xót xa lắm. Bản thân tôi hành nghề xe ôm, thường xuyên chở khách trên cung đường này nên không ít lần trở thành nạn nhân. Thậm chí, chính người thân tôi cũng là nạn nhân. Từ đó, tôi bắt đầu nhặt đinh. Mỗi cây đinh có thể phá hủy một bánh xe, nên bớt một cây đinh trên đường thì bớt một chiếc xe bị thủng lốp. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là giúp người cũng tự giúp mình”.

Nguyễn Lê