Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:42, 09/03/2020
Tổng kim ngạch xuất khẩu giảm
Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may tại thành phố Hồ Chí Minh đang bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm may mặc bị ảnh hưởng mạnh nhất. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may của thành phố chưa bao giờ giảm sâu như hiện nay.
Nếu như trong tháng 1-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh (không tính giá trị dầu thô) ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 11,7% so cùng kỳ (cùng kỳ chỉ tăng 4,5%) thì bước sang tháng 2-2020, kết quả hoàn toàn ngược lại. Cụ thể, trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh (không tính giá trị dầu thô) chỉ đạt hơn 2,6 tỷ USD, giảm hơn 12% so với tháng trước. Nhìn chung, số lượng và giá trị hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 2-2020 đều giảm, trong đó một số mặt hàng giảm mạnh như: Dệt may giảm 22,2%; thủy sản giảm 27%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,2%; gạo giảm 17,9%; túi xách, ví, vali giảm 16,3%; giày dép các loại giảm 14,9%...
Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh, 2 tháng đầu năm 2020, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu (nông sản, lâm sản, thủy hải sản, công nghiệp, hàng hóa khác) qua hệ thống cảng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thì có tới 4 nhóm giảm, duy nhất 1 nhóm tăng là nhóm hàng công nghiệp (với sản phẩm chủ lực là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện).
Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về thị trường xuất khẩu hàng hóa, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố dự báo sẽ tiếp tục khó khăn nếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.
Tiếp cận, mở rộng thị trường
Trước tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, trong năm 2020, tiềm năng và khoảng trống của thị trường xuất khẩu vẫn rất lớn. Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, thay vì chỉ chú trọng thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu tính đến việc vươn tới thị trường Hoa Kỳ.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T nêu quan điểm, trong bối cảnh khó khăn này, nhìn ở mặt tích cực là đòn bẩy cần thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Họ sẽ phải làm quen với một thị trường có tính cạnh tranh cao, giảm những thủ thuật trong làm ăn nhỏ lẻ vốn dĩ đã tồn tại từ lâu trong kinh doanh nông sản tại Việt Nam. “Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường thay vì bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống đang bị thu hẹp, việc nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại cũng là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho thành phố. Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, ITPC đang từng bước đổi mới cách thức tổ chức xúc tiến xuất khẩu theo hướng gắn kết từng mặt hàng xuất khẩu với từng thị trường. Trong đó, xác định rõ các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, từ đó tìm thị trường mục tiêu để có cách tiếp cận nhanh và phù hợp nhất.
Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt khảo sát nghiên cứu thị trường; kết nối doanh nghiệp với các đối tác, nhà nhập khẩu tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, các chính sách nhập khẩu của các nước… nhằm khai thác các thị trường tiềm năng, các thị trường mới. Về giải pháp trước mắt, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa có văn bản đề xuất UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm việc với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong giai đoạn phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm thông thương hàng hóa, duy trì sản lượng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết đã chỉ đạo Sở Công Thương và các sở, ngành có liên quan trong tháng 3-2020 và các tháng tiếp theo, không để ngành xuất khẩu sụt giảm, đặc biệt là 4 ngành công nghiệp chủ lực. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cơ hội để doanh nghiệp thành phố nâng cao giá trị xuất khẩu các loại hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Để đón đầu cơ hội này, thành phố Hồ Chí Minh đã có chiến lược phát triển các sản phẩm chủ lực kể cả công nghiệp và nông nghiệp.